Cô em sôi nổi

Lại về một cô em tên Thùy, chính xác em là Phương Thùy. Mỗi cô gái tôi nhận làm em kết nghĩa đều có một vẻ thu hút riêng, ở Phương Thùy là sự sôi nổi và trái tim cuồng nhiệt của em với điện ảnh. Nhưng khi trò chuyện tôi thấy Thùy có tâm hồn phóng túng của một họa sĩ, sôi nổi của một tay trống. Em cuốn hút người khác bởi đôi mắt và cái miệng không bao giờ quên cười. Thùy say mê phim ảnh, yêu văn chương và có một lượng kiến thức hội họa, âm nhạc có phần chiếm ưu thế so với những cô gái khác. Cùng với những thú vui khác, em thích sưu tầm những cuốn sổ vintage, chuyện trò với bạn bè chung sở thích và viết blog. Em nói thay vì như những cô gái khác dành hết tiền bạc mình có để mua đôi giày, thỏi son, thì em lại mua CD, sách và đi xem các chương trình nghệ thuật hoặc cà phê với bạn bè để nói về những lĩnh vực đó.
Thùy nói năng triết lý, âm vực luôn luôn ở mức độ vừa phải và giọng điệu lưu loát. Vì vậy trong các cuộc nói chuyện hoặc tranh luận về những chủ đề em quan tâm, Thùy đều đưa ra những câu nói khá thuyết phục người nghe. Chẳng hạn khi em nói về Richard Linklater, thì một điều dĩ nhiên từ một vẻ bán tín bán nghi, tôi sẽ sớm tin rằng gã đạo diễn này đang tạo ra một dải ngân hà riêng trên bầu trời Hollywood, dải ngân hà đó là những bộ phim mang tính đời thường, chính kịch, không có nhân vật phản diện hay sắp xếp tình tiết ly kỳ nóng bỏng nhằm đẩy bộ phim lên cao trào, mà chính các nhân vật tạo nên những uẩn khúc trong hơi thở tưởng như an nhiên. Các diễn viên của anh phải trưởng thành theo thời gian để đáp ứng với một kịch bản tự nhiên, thể hiện đúng thứ cảm xúc mà họ mang từ cuộc sống thường nhật. Richard mà Thùy nói đang phá bỏ cái rào cản được mặc định rằng một bộ phim hay thì phải có nội dung phức tạp, lời thoại triết lý, tình tiết khó đoán hay kỹ xảo hoàn hảo. Đó là lý do Thùy thích series phim Before và mới đây là Boyhood của Richard. Thùy là người giúp tôi tìm lại những bộ phim hay như V for Vendetta, Amélie, The Pianist, When Harry met Sally...
Trong các cuộc trò chuyện cùng nhóm phim - sách mà trong đó thỉnh thoảng có tôi tham gia với tư cách là kẻ lắng nghe và uống trà, Thùy ít khi nói về Sài Gòn, vì trong kiến thức giao tiếp của Thùy có nhiều đề tài làm người ta bị cuốn hút theo, và tôi không hề ngoại lệ. Về phần Thùy, em biết tôi là người luôn mang trong mình tư tưởng gắn bó với Sài Gòn, nhưng cũng chỉ một vài lần em lên tiếng về Sài Gòn với tôi. Và một lần, ngồi trong quán cà phê quen thuộc của chúng tôi, khi những người bạn còn lại đang nói với nhau về một trong những quyển sách đặt trên mặt bàn, thì tôi hỏi em về Sài Gòn, và tôi được Thùy trả lời:
“Với Sài Gòn em thích viết hơn.”
“Tại sao em viết mà không chia sẻ?”
“Vì Sài Gòn quá thân thuộc, như ngấm vào máu thịt, Sài Gòn
len vào hơi thở nên sẽ không chọn ra từ ngữ nào để có thể diễn tả được lời nói.”
Tôi không nhớ mình đã hỏi gì sau đó, nhưng hôm ấy tôi đang nhớ nhung về một Sài Gòn xa vắng. Một Sài Gòn với những buổi sáng cùng tiếng chộn rộn xa xăm, Sài Gòn với những cửa tiệm sáng choang, Sài Gòn bật lên những cổng trường yên ắng bỗng vỡ oang bằng tiếng đục tiếng trong, Sài Gòn của buổi họp đầu ngày từ các ô cửa trong những building vươn mình, Sài Gòn của làn lá me rơi lất phất trên vai áo người công nhân vệ sinh. Rồi tôi thấy Thùy đang nói gì đó về một Sài Gòn đêm lãng đãng. Trong những entry Thùy viết về Sài Gòn, mà tâm điểm là về Sài Gòn đêm, mang đến cho tôi một cảm giác yên lành làm sao. Người ta thường nói trong đôi mắt của người con gái như Thùy thường yêu màu của đêm.
“Sài Gòn cho tôi những điều thân thương bình dị... Sài Gòn cùng ta trưởng thành, cùng ta ôm ấp những ký ức tàn phai, dẫu có ai đó xua đuổi đi vẻ đẹp của Sài Gòn, tránh né nó, dè bỉu nó, thì Sài Gòn vẫn nép mình thầm lặng như vậy thôi...”. Đó là những câu chữ của Thùy trên trang blog của em.
Nếu tôi hỏi Sài Gòn đêm của em như thế nào vậy Thùy, hẳn em sẽ trả lời như em đã tự sự:
“Với em, Sài Gòn về đêm thật yên ả, hào sảng, mọi thứ ngả về cùng một thế giới, bình đẳng. Em thích Sài Gòn với tiếng rao đêm, với những bóng đèn đêm le lói trước những cửa tiệm nhỏ. Em thích lúc người ta gọi nhau trong đêm, giữa những khu phố sáng đèn, hay hình ảnh anh sinh viên ngồi bên chiếc bàn gỗ mục, đăm chiêu nhìn qua khung cửa và ước nguyện về một tương lai xán lạn.”
Trong những lần gặp nhau, Thùy thường có thói quen cầm trên tay cuốn sách, uống một ly nước ngon và nói về một vài bộ phim cùng những cuốn sách em yêu thích. Nhưng có đôi lần Thùy trầm trồ với tôi về những quán cà phê ngập tràn tông màu nghệ thuật ở Sài Gòn mà em say đắm, Thùy kể về những quán cà phê ấy như một đam mê bất tận.
“Một ngày nào đó em sẽ xa Sài Gòn phải không?” – Tôi hỏi.
“Nghệ thuật nó ăn vào máu em rồi. Đã đến lúc em phải sống với niềm đam mê đó. Có thể sẽ phải đi xa, rời khỏi Sài Gòn.”
“Vậy em sẽ nhớ thành phố này phải không?”
“Em sẽ nhớ Sài Gòn như người Hà Nội nhớ thủ đô của họ mỗi lúc đi xa.”
“Vì sao em yêu Sài Gòn?”
“Yêu có cần cụ thể không anh? Với em, yêu là yêu thôi.” Những ánh chiều buông ngoài kia. Tôi nhìn dòng người trôi
đi giữa tiếng ồn ã cuối ngày và ngẫm về một Sài Gòn trong con mắt của một cô gái tên Thùy. Hào sảng, dung dị, bảo bọc và bình yên đến độ không có lý do để nói ra một tình yêu nào như thế. Với Thùy, Sài Gòn sẽ dễ dàng trở thành chốn thăng hoa cho những số phận, và cũng với Thùy, Sài Gòn luôn luôn là nơi để em trưởng thành, cùng em ôm những ký ức không bao giờ tàn phai.

Bình luận