Cố nhân và lữ khách

Những ngày này, năm thứ ba mươi của cuộc đời, nỗi ao ước được trở về Đà Lạt chưa bao giờ mãnh liệt trong tôi đến vậy. Chỉ cần nhìn thấy tấm hình của ai đó trên Facebook kèm theo “at Đà Lạt - Thành phố sương mù” và “felling Happy, Loved” là trong lòng cảm thấy nao nao khó tả. Vừa bồi hồi, vừa tiếc nuối vì có khao khát nhớ nhung đến đâu cũng khó trở về trong một sớm một chiều.
Với tôi, được sinh ra trên mảnh đất nên thơ này là niềm tự hào nhưng cũng là sự đau đáu không thôi. Trái tim tôi chọn yêu thêm vùng đất khác, cũng như dành trọn những hoài bão nơi ấy, nhưng Đà Lạt vẫn là nơi tôi muốn mãi mãi ở lại, vùng đất mà cuối cùng tôi muốn làm lữ khách và cũng là cố hương duy nhất của tôi. Đà Lạt, tiếng gọi chưa bao giờ vang xa mà gần gũi đến vậy.
Đã năm năm rồi, tôi chưa trở về thành phố, vì một lý do đơn giản lâu nay: sức khỏe. Một điều mà rất nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, nhưng đó là cuộc sống của tôi, và thay vì gọi đó là hoàn cảnh thì tôi xem nó như chất liệu riêng biệt của bản thân mình. Là một người bao giờ cũng mang bao hoài niệm đẹp đẽ về vùng đất mà mình đã sinh ra cùng suốt những tháng năm sắm vai lữ khách, tôi cảm thấy mình luôn luôn gắn bó với Đà Lạt, yêu Đà Lạt trong mỗi thời khắc, trong cả hai tâm thế, người Đà Lạt và lữ khách của Đà Lạt. Tôi có những ký ức về Đà Lạt mà khi bày tỏ cùng ai đó, người ta ắt sẽ hỏi tôi “hẳn sẽ nhớ lắm thôi”. Tôi nhớ thành phố của mình qua những hình ảnh mà mình đã

ngắm nhìn bằng đôi mắt của người lữ hành lẫn kẻ chân phương, mộc mạc, gần gũi nhưng vẫn cuốn hút từng khoảnh khắc. Có một lần, tôi đang lững thững bước đi trên con đường ở khu Hòa Bình, nơi dẫn xuống đến một khách sạn nổi tiếng, bỗng dưng có người vỗ vào vai tôi và hỏi: “Bạn là khách hay là dân ở đây?”. Tôi biết mình là ai nhưng vẫn lưỡng lự để chọn câu trả lời: “Tôi về thăm nhà...”.
Rồi người khách tiếp tục hỏi tôi, giữa Crazy House và Dinh Bảo Đại (Dinh III), thì nơi nào đáng thăm thú hơn. Hai thắng cảnh mà người khách hỏi lại là những vị trí rất gần với nơi gia đình tôi sống, cả Dinh III và Ngôi Nhà Kỳ Dị đều cách chỗ gia đình tôi hơn nửa cây số, nhưng đó là một câu hỏi khó. “Anh thích tìm hiểu lịch sử, vùng đất này của thời Pháp và cuối triều nhà Nguyễn thì nên đến Dinh Bảo Đại, còn nếu anh muốn sự lạ lẫm, bí ẩn thì đến Crazy House”, tôi định nói như vậy thì bỗng dưng người khách quay đi cùng lời xin lỗi và: “Mình sẽ tự tìm hiểu...”.
Tôi sống rất gần Dinh III và Crazy House nhưng đã từ rất lâu rồi tôi chưa bước chân vào hai nơi này, nghĩa là chỉ đứng nhìn từ bên ngoài. Đối với tôi, một người thích khám phá lịch sử và các nền văn hóa thì những dinh thự của Bảo Đại vẫn là nơi tôi muốn đến hơn là một ngôi nhà cổ quái theo lối kiến trúc đúng với tên gọi của nó. Song với tôi, Ngôi Nhà Quái Dị hay còn gọi là Biệt Thự Hằng Nga của nữ kiến trúc sư sáng tạo nhất nhì Đà Lạt vẫn cho tôi những ấn tượng mạnh từ khi lần đầu nhìn thấy nó. Tôi không thể rời mắt khỏi tòa nhà cổ quái đó trong một lần trên đường đi học về, khi ấy chừng bảy tuổi. Một con hươu cao cổ bằng bê tông, những thân cây gánh trên mình căn phòng nham nhở, to lớn có nhiều cửa sổ, tôi đứng nhìn cái thứ kiến trúc lạ lẫm kỳ quái đó bằng đôi mắt trẻ thơ nhưng không ngừng tự hỏi

“Những hình thù ấy có ý nghĩa gì?”. Đến bây giờ, mỗi lần trở về Đà Lạt, ngang qua con đường ấy, tôi vẫn ngước đầu nhìn cùng với một câu hỏi đó, nhưng đã được chắp dài hơn: “Những hình thù ấy có ý nghĩa gì, và nó đã bao giờ trở thành bản sắc của Đà Lạt hay chưa? Một con hươu cao cổ ư? Tại sao không phải là một con vật khác? Những ô cửa trên các thân cây bị bê-tông hóa ư? Nó chứa đựng điều gì không?”. Rồi tôi chợt nhận ra, càng có nhiều câu hỏi, từ nhiều người– nhìn-ngắm, thì không cần biết ngôi nhà ấy có phải là bản sắc của Đà Lạt không, nó đã có một tiếng vọng rất Đà Lạt: “Bí ẩn, cuốn hút và kỳ vĩ...”
Khi nghĩ về những tính từ bất hủ dành cho Đà Lạt, tôi cũng không thể nào quên mảnh đất ấy chứa đựng từ những câu chuyện có thật, hư cấu hay sử thi... Và vì sao, bạn có biết Đà Lạt được mệnh danh là thành phố của tình yêu? Không hẳn nơi đây là mảnh đất bình yên, trai gái dễ dàng hò hẹn yêu nhau. Mà bởi vì, từ những câu chuyện định kiến về tình yêu là một bảng lý lịch cho các địa danh như Langbiang, Hồ Than Thở, Đồi Thông Hai Mộ, Cam Ly...
Tôi hẳn sẽ không cần kể cho bạn nghe thiên tình sử của chàng K’Lang và nàng H’Biang để nhớ đến một Langbiang huyền thoại, hay thuật lại mối tình thời Tây Sơn của đôi uyên ương Hoàng Tùng và Mai Nương trước khi câu chuyện ấy trở thành hiện thân của dòng nước thê lương Hồ Than Thở, hay cùng bạn nhắc nhớ về cuộc quyên sinh đầy tiếc nuối của người lính thời chiến tên Tâm và người yêu của mình, mà đến nay ta vẫn biết đến nó với địa danh đầy thủy chung Đồi Thông Hai Mộ. Bởi vì, chỉ cần truy cập vào internet, bạn sẽ có hàng trăm thông tin về những giai thoại đó.
Và với chiều hướng tìm ra những câu chuyện tình yêu của xứ sương mờ, tôi chợt nhớ một câu chuyện từng được nghe từ rất

lâu rồi, mà nếu hôm nay tôi không xuất thần nhớ ra thì có lẽ nó đã bị chôn vùi trong trí nhớ kém cỏi của tôi - một câu chuyện không mang hơi hướm diễm tình, một câu chuyện không bao giờ trở thành giai thoại. Câu chuyện tôi nghe từ những người đàn ông uống trà trong một quán nhỏ nơi đầu con hẻm gần nhà, họ kể nhau nghe với giọng điệu luận đàm pha chất dí dỏm. Câu chuyện về một gã Tây lãng tử yêu cô gái hái hoa người K’ho. Đó là câu chuyện tình có thật, theo lời người kể là thế, nhưng với tôi mọi câu chuyện ở vùng đất này như một sự ghi chép từ nhiều người, qua nhiều năm. Chuyện chàng Tây và cô nàng người K’ho xảy ra vào khoảng thời gian sau cái kết đầy bi oan của mối tình giữa chàng sĩ quan trẻ Minh Tâm và cô gái Lê Thảo. Dạo đó, J là một chuyên gia trẻ được phái đến giúp đỡ đồng minh trong cuộc chiến ở Việt Nam. Là lần đầu J ra khỏi Hoa Kỳ nhưng khi đến miền Nam Việt Nam, anh không được ở lại Sài Gòn mà phải di chuyển theo đoàn chuyên gia lên Đà Lạt để hỗ trợ cho trường Võ bị. Ở đó J không thể hòa nhập với các tướng lĩnh lẫn học viên, nhưng anh có cảm giác gần gũi với cảnh sơn cước của vùng đất mới này. Mỗi buổi chiều, J thường tản bộ trên các sườn đồi, tìm đến các khe suối để làm những bài thơ gửi tặng bạn bè ở quê nhà.
Trong lúc thả hồn tìm nàng thơ, J nghe thấy một giai điệu quyến rũ phát ra từ sau rặng cây rừng, anh lần đến đó với sự thôi thúc kỳ lạ. Và, trước mắt anh lúc đó là một sơn nữ đang ngồi thổi sáo bầu, lưng gùi chất đầy những bông cúc trắng, và một đóa daisy đẹp nhất cài lên mái tóc vàng loe hoe. Nhìn làn da ngăm và mái tóc cháy nắng, anh biết cô gái là người sống ở vùng Thượng. Có thể cô gái sẽ bỏ chạy, nếu anh không đọc những dòng thơ mà mình vừa viết xong, và có thể J sẽ không bao giờ đọc những dòng thơ đó nếu cô gái không phải là người thổi sáo

bầu hay đến thế. Người ta kể cho nhau nghe về J và cô gái K’ho như một câu chuyện đương đại, nhưng với cảm nhận sâu sắc rằng câu chuyện ấy rút ra từ cổ tích. Và dĩ nhiên, J sẽ không bao giờ lên vùng Thượng để sống với cô gái K’ho hái hoa và thổi sáo bầu, mà cô gái K’ho thổi sáo bầu sẽ không bao giờ qua Mỹ để sống cùng người mình yêu. Câu chuyện tình mang đầy định kiến ấy đã kết thúc nhanh chóng khi J chết trong vòng tay cô gái vùng sơn cước vì căn bệnh sốt rét, hoặc có thể bị đầu độc (như ai đó muốn có thêm giả thuyết khác để câu chuyện trở nên bí ẩn hơn).
Những hình ảnh, những câu chuyện về Đà Lạt, mới hay cũ, thần bí hay hiện thực tôi đều có cái nhìn bằng hai tâm hồn: Sự gần gũi của người sinh ra ở vùng đất ấy, niềm hiếu kỳ của người lữ khách vừa đặt chân lên xứ sở đầy kỳ quan.

Bình luận