Sài Gòn là ả đàn bà

Người ta vẫn ví Sài Gòn là một thực thể hội tụ của niềm đam mê, như ngụ ý đó là kẻ trai phóng đãng, đa tình, liều lĩnh và chăm chuốt mọi bề. Sài Gòn với những chuyến tàu cập bến Ba Son mang theo những du phẩm Tây thời, và gầy dựng một đô thành xứ Viễn Đông tráng lệ của nền văn minh ngoại bang nơi đó, các quảng trường, đại lộ, biệt thự sầm uất mọc lên như nấm ở Bến Thành – Bến Nghé, đáp ứng cho những cuộc di dân của Pháp kiều đến Sài Gòn – Gia Định, mang theo giấc mơ “Hòn ngọc Viễn Đông” của chính sách thuộc địa Đông Dương. Nhưng Sài Gòn loạn lạc vẫn giữ được danh tiếng giữ cõi An Nam của Lãnh Binh Thăng, trở về giai thoại năm thê bảy thiếp, mà ngày nay người ta có thể nhận ra từ các ngôi chợ nức tiếng Sài Gòn như Bà Chiểu, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hạt, Bà Hom đều gầy dựng lên từ năm bà vợ của vị Lãnh binh năm nào.
Theo dòng chảy, Sài Gòn sản sinh ra đại gia Chú Hỏa để đến bây giờ người ta vẫn nhắc đến trong những buổi mạn đàm về tỉ phú nhân từ, rồi thoạt nhiên đến thời kỳ của Đạt Cathay tạo ra một hình mẫu kẻ giang hồ có máu hào hiệp, Sài Gòn như một người đàn ông thực thụ với những kẻ làm ra làm chơi ra chơi. Là nơi người ta tận hiến trong mọi thời cuộc. Nhưng với chị, Sài Gòn là một ả đàn bà, một ả đàn bà lả lơi đủ ngón nghề và mánh khóe để những kẻ gan hùm xem trời bằng vung hay cậu chàng thư sinh sắp cao ước vọng tìm đến nương náu, xây dựng cơ đồ, vun đắp trí tuệ.
Giọng văn của chị mặc nhiên uyển chuyển miêu tả Sài Gòn như một ả đàn bà như thế, thấm thía thời quá khứ phong lưu của đô thành di truyền tận ngày nay. Qua ngữ cảnh văn phong của chị, Sài Gòn mặc nhiên là một cô ả từng trải, dạn dày, ôm ấp, dẫn lối với bao kẻ tứ cố vô thân, nuôi nấng những bậc trí nhân, nhưng không níu lại nếu bất cứ ai vẫn coi ả như chốn nghỉ chân cho cuộc di dân về những miền đất hứa khác, hay nếu định lượng cho cuộc trở về nơi đã cất bước, Sài Gòn cũng không ép nhớ những ngày gian truân mà những kẻ trai tráng hèn mọn một thời đã ngả lưng nương nhờ.
Âm giọng phương Bắc di truyền trong huyết quản không lấy đi của chị cái cốt cách lẫn dung nhan của người đàn bà đô thành. Tà áo dài xanh lơ phủ lên dáng dấp mảnh dẻ, lũ mèo mè nheo bên cạnh như đám trẻ bám lấy bà mẹ đam mê mùi hương, Trác Thúy Miêu thẳng thắn nói mình là người đàn bà không ưa ca cẩm về nữ quyền, hô hào bắt buộc đàn ông phải phục nể nữ giới và cho rằng quyền công cán cần được bình đẳng, đơn giản Miêu vẫn luôn giữ nếp của một người đàn bà rành rỏi, kiêu kỳ yểu điệu.

Tôi gặp Trác Thúy Miêu trong các buổi triển lãm nghệ thuật, buổi chào mắt sách mới của các tác giả trẻ Sài Gòn (trong đó có tôi), hay hai chị em thường chạm mặt nhau ở những buổi tọa đàm về phúc lợi động vật... Lúc thì chị là người chủ tọa, có lúc chị ngồi một góc chăm chú lắng nghe, khuôn mặt, viền mi chị luôn điểm một lớp phấn son sắc sảo, nhưng dường như từ đôi mắt chị bao giờ cũng sâu thẳm nỗi ưu phiền về một “tộc” người Sài Gòn chánh hiệu bị lãng quên, đau đáu vì tính tạp ăn và lối hành xử vô nhân tính với các giống loài của người Việt.
Miêu là một người gay gắt trong những cuộc tranh luận, mà phần này của chị, theo tôi cảm nhận đó là một điểm cộng cho người đàn bà, sự cam chịu không phải là một thuộc tính của chị, hay bất kỳ người phụ nữ đô thành nào. Như một hình ảnh quen thuộc, trong quãng nghỉ của buổi đàm luận, Miêu cùng một số lánh ra hành lang đốt thuốc, cuộc trao đổi ngoài lề giải phóng ra những tiếng cười ngạo nghễ. Có những tối chúng tôi thốt ra những lời bông đùa bên ly cà phê, cùng lắng nghe câu chuyện của bác xe ôm rạch ròi về thế thời nhưng ẩn mình trong lớp áo của kẻ bần hàn, sau khi cùng đọc cho nhau nghe một đoạn văn diễm tình trên cuốn sách ố vàng, chị kể về những gánh nhạc Sài Gòn xưa, những gọng ca vang bóng cùng giai thoại hồng nhan bên các bậc anh tài. Chúng tôi nói về lũ chó mèo và những luật lệ đời thường, diễn ra trên đất Sài Gòn. Với điệu bộ nồng nhiệt, với thiên khiếu của một người đàn bà đỏng đảnh đến sắc sảo, với tác phong hòng khiến người ta dễ bị chi phối với khiếu chuyện trò hoạt ngôn lưu loát, với niềm say mê của một bé gái trước con Poupée mắt xanh bằng nhựa, Miêu luôn là một phần không thể thiếu trong những cuộc vui như vậy.
Có người nói “Miêu là vậy, cô ấy cuốn hút người khác bằng nhiều tầng cảm xúc.” Còn về phần tôi, tôi cũng không bao giờ hiểu hết thứ ngôn từ hoa mỹ của chị, trên trang viết hay trong các buổi thảo luận, nhưng tôi biết mình thích giọng văn và ưa cái lối dẫn chuyện đầy năng khiếu của chị với chiếc micro, mà chẳng có một thủ pháp viết lách hay kinh nghiệm dẫn chuyện nào giàu ngôn từ đến thế. Cũng có những lần, như mối thân tình không hề bị ràng buộc về bất cứ điều gì, chị đặt lời mình trên cuốn sách của tôi. Và một sáng chủ nhật, tại quán cà phê quen thuộc của dân làng báo Sài Gòn, với chiếc áo dài điểm bông cổ điển và đôi khuyên tai thủ công hoa trắng, chị chú thích cuộc chuyện trò sôi nổi trong buổi chào sân độc giả cuốn sách về muông thú và những trái tim quả cảm rừng xanh của tôi. Nhân cuộc lắng nghe về sự nhẫn tâm của con người cho các giống loài khác, chị nhấn mạnh về cách khích lệ cho một đứa trẻ lớn lên bằng chỉ số EQ thay vì nhất nhất tuân theo bậc thang về IQ để chúng biết yêu thương, hơn là bắt chúng làm tất cả mọi thứ để đạt được sự thông minh tuyệt đối. Một đứa trẻ phải học cách ôm ấp một con vật trước khi bị giáo huấn bằng hàng ngàn kiến thức siêu việt. Quen chị, cùng làm với chị một số công việc nho nhỏ kiểu vậy, tôi thấy mình đã không đánh mất thứ cảm xúc trong cách nhìn và cảm nhận giá trị một con người. Và nó diễn ra hết sức tình cờ trên bề mặt của mối quan hệ bạn bè.
Giữa tôi và Miêu, dù có nhiều điểm khác nhau hơn là giống nhau, nhưng sự quý mến ràng buộc được tạo ra trong lớp áo của ả đàn bà Sài Gòn. Và như cái cách người ta thấy ở chị, sự ẩn mình của cái đẹp được chị kể lại với những ngôn từ sắc sảo, từ đó hiện ra một giấc mộng tinh thần xa hoa. Trong ít dịp ngồi cà phê suốt buổi, tôi có cảm giác Miêu nhẹ tênh bước đi trên một con đường không bị thôi thúc bởi bất kỳ điều gì, chị vẫn điềm nhiên tận hưởng mọi khoản vui với người bạn đời và lũ chó mèo của chị trong mọi khoảnh khắc, nhưng nó được tư duy và ràng buộc với phẩm chất của một ả đàn bà Sài Gòn. Phẩm chất không ai có thể đánh đổi được mà cũng không ai dễ dàng sở hữu nó, như chính cái hồn phách của thành phố này mà người ta có thể cảm nhận bằng trái tim của người ở lại.

Bình luận