Sài Gòn, bóng hôm nay sẽ không phai...

Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi...!, điệp khúc ấy bỗng ngân lên trong lòng tôi với cung buồn rệu rã.
Một mình ngồi ở ban công của tiệm ăn nhỏ khu vực gần Lam Sơn - nghe rõ tiếng ồn của phố xá từ dòng người qua lại, tôi đưa mắt nhìn ra khoảng trời bao la. Chợt rùng mình khi thấy những bóng cây đã không còn nơi đó, những hàng cây đã gắn liền trong trí nhớ của tôi từ thuở vừa đặt chân đến thành phố này, nơi mà năm mười hai tuổi, với cảm giác thật bình yên tôi đã ngồi hóng gió cùng với người cô điều dưỡng sau những ngày dài ở phòng cấp cứu. Cho đến nay, kẻ đã chạm vào ngưỡng “nửa đời người”, tôi vẫn nhìn ngắm Sài Gòn với nét phồn hoa. Chợt thấy lòng không thôi nhói lên một nỗi ray rứt, nghiễm nhiên lời đối thoại từ sâu trong tâm tư mình trỗi dậy, dù chỉ là hình dung tưởng tượng nhưng nỗi buồn vọng lên từ nơi sâu thẳm.

Một cảm giác xót xa khó tả chực ùa về, bởi những thân cây ấy chính là máu thịt, là linh hồn của những ai trân quý mảnh đất này. Sài Gòn sẽ có sự chuyển mình của thời đại, đó là những chuyến tàu điện ngầm, những tòa nhà chọc trời mọc lên. Quý hóa lắm. Nhưng, tự hào làm sao đây? Vì thành phố phải thay da đổi thịt, vì sự tiến bộ của đô thị mà mất đi những góc phố xanh ngắt trăm năm, những tòa nhà hoa phải chìm vào dĩ vãng. Nhưng rồi đâu còn cách nào khác.
Không máu mủ với đất trời nơi đây, nhưng Sài Gòn đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ khi còn là một cậu bé được đặt giữa sự sống và cái chết. Sài Gòn đã cho tôi những giấc mơ cháy bỏng, sống khát khao và giữ gìn những kỷ niệm. Tôi đã lớn lên, thành người trên mảnh đất rộng lớn nhưng đầy những cuộc đời nhỏ bé biết khát vọng này. Những ân tình sâu nặng của bác sĩ mà cậu bé mang theo từ giường bệnh, những món quà nhỏ cậu nhận nơi hành lang khoa tim trong đêm Giáng sinh từ những người xa lạ, tấm drap trải giường được cô hộ lý ưu tiên, chiếc khăn giấy người qua đường đưa thấm mồ hôi. Đến ngày tôi trở thành một người biết phân định giữa yêu thương và oán giận. Biết để lòng mình ngả về phía an nhiên mà quên đi hờn tủi.
Cũng giống như những hàng cây và tòa nhà mang theo bao tàn tích của chuỗi dài năm tháng kia, người Sài Gòn có tấm lòng đãi giao hào phóng. Vậy cớ sao lại lấy đi của mảnh đất này những kho báu trăm năm? Sài Gòn giờ đây tìm đâu những bóng cây xanh, những tòa nhà uy nghi cao quý - mà ở đó có bao cuộc xương máu đã đi qua? Sài Gòn hào sảng, bao dung đang trôi về đâu khi những dự án tân thời mọc lên, vùi lấp đi những chứng tích của thời gian - mà lẽ ra những nét phố xưa đẹp đẽ ấy phải được lưu giữ đến ngàn đời?
Sài Gòn, thương cho phận thị thành tàn tạ với những nhát chém hủy diệt đầy đớn đau. Tôi nhìn thấy bia đá kia tuôn ra những dòng máu đỏ thắm, chực vùng vẫy giữa cuộc thay da cực ải – như ai đó phải thốt lên: “Lẽ nào bia đá không đau?”. Phải rồi, Sài Gòn rồi đây sẽ khoác lên mình một tấm áo hào nhoáng, lại vẫn là tâm điểm của các cuộc đổi thay, nhưng cái tâm cốt của một Sài Gòn xưa nay trôi về đâu? Người Sài Gòn sẽ sống sao với những kỷ niệm khi mà từng tán lá, từng viên gạch đã hằn sâu trong tâm trí của họ sẽ biến mất?
Nhìn những đôi mắt thị dân đang hướng về khoảng không vô định, tôi thấy nét buồn vương trong họ, trong cả tôi. Nghẹn ngào chứng kiến những kỷ niệm về Sài Gòn vô tình bị phá hủy mà không thể làm gì hơn, từng người từng người dường như lầm lũi bước vào một ký ức xưa, mà đã là ký ức thì chẳng thể nào tìm thấy nguyên vẹn. Rồi thì người ta cũng sẽ tập sống với những mất mát, nhắm mắt để dòng thời gian trôi đi cùng những hủy diệt và tái sinh. Có người hỏi tôi Sài Gòn có còn là Sài Gòn không anh? Tôi nói với âm giọng của một kẻ đến từ phương xa rằng, Sài Gòn vẫn còn nếu người Sài Gòn không buông bỏ. Vết thương phải được khâu lại trong những ngày Sài Gòn tiếp tục chảy máu.
Và tôi lại đau đáu nhớ câu hát Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai... Những thân cây xanh vạm vỡ ấy sẽ không phai, những tòa nhà hoa lệ ấy sẽ không bao giờ bị lãng quên trong ký ức của tôi, càng không bao giờ lãng quên với người Sài Gòn. Sài Gòn, dù có ra sao thì vẫn còn đó cái hồn của nó. Đẹp, thách thức và bao dung.

Bình luận