Những Ngày Lương Văn Chánh

Vào chặng tháng Chạp tháng Giêng, cứ mỗi lần có dịp băng qua một cánh đồng lúa sạ đang chín rộ, hột lúa mẩy vàng, gié lúa khom lưng cúi gục đầu dưới ánh nắng rực rỡ là lòng tôi lại man mác nhớ đến cánh đồng Chợ Đèo, đến trường Trung học Lương Văn Chánh thời Kháng chiến chống Pháp, xa cách tôi những ba mươi năm. Ba mươi năm, thời gian đủ để biến một đứa nhỏ oe oe khóc trong nôi thành một người trung niên, cha của ba, bốn đứa đứa trẻ mà đứa lớn nhất có thể cầm roi chăn một đàn bò và đứa nhỏ nhất oe oe trong nôi như cha nó, ba mươi năm trước. Ba mươi năm đủ biến một mầm cây nhỏ yếu hóa thành cổ thụ.
Từ quê tôi ở Tuy Hòa, tôi mang ruột nghé gạo đi ra Tuy An để theo học trường Lương Văn Chánh. Đi bộ bốn mươi cây số, từ nhà ra tới Định Trung, xã An Định, nơi mở trường. Khi ra đi, tiền túi còn đầy, có hồi tôi cao hứng leo ngồi xe ngựa. Lọc cọc... Lọc cọc... Vút!... Trót!... Rầm rầm... Lịch kịch... Đường cái bị phá hoại, đồng bào được huy động đào xới, có đoạn vết đào chạy xiên xiên, sóng sóng nhau, rất ngay ngắn, rất mỹ thuật, như cái xương cá. Có đoạn thì hăng quá, hốt gọn luôn một quãng, phi tang biến mất tiêu, khiến lòng đường còn sâu hơn mặt ruộng xung quanh. Và nước đọng thành ao. Cỏ gấu, cỏ mực, cỏ chỉ, cỏ may... rau chóc, rau sam, móc mèo, móc ó... vội vàng xâm chiếm, xây dựng thành an toàn khụ Và khi hoàng hôn xuống thì biến thành hội trường cho ễnh ương toàn vùng hòa tấu. Nhiều hồi xe ngựa đang chạy lắc lư ngon trớn hành khách bị nhồi xóc như bốn đồng tiền trong cái bát của anh xóc dĩa, giữa lúc nhăn mặt cắn răng chịu đựng hay mơ màng trong giấc ngủ chập chờn thì chợt anh đánh xe la lớn: "Tàu bay! Tàu bay!" Tiếp liền tiếng động cơ rú trên đầu, tàu bay sạt qua và những người hành khách đã -y như bằng phép mầu- nằm im thin thít quanh cái ao, chúi đầu núp vào các bụi sục sạo, bụi é rừng. Xung quanh đột nhiên yên tĩnh lạ lùng. Những lá cây như cũng biết hồi hộp, không dám xôn xao. Buổi chiều đang xám và sự im lặng ngộp thở có thể làm mấy con ễnh ương tưởng lầm rằng đã hoàng hôn. Một con cất tiếng. Và cả bầy hòa cạ Thật là một sự hớn hở không đúng lúc.
Cũng bốn mươi cây số đó, nhưng lần từ trường về nhà thì an phận hơn. Chịu khó sử dụng cặp chân. Những bữa ăn trong mấy ngày chót thiếu cả nước mắm thì xe ngựa đã biến thành xa xỉ phẩm. Có muốn bị xóc bị nhồi cũng không được. Và khi đã thèm ước một cách tuyệt vọng thì liền thấy cái xe ngựa sao mà đẹp vậy, sao sự lắc lư lại nên thơ vậy, và trước mắt chúng tôi lúc đó, những người cắn răng nhăn mặt ngồi chèn chặt trong xe lại đẹp đẽ uy nghi như những A-lịch-sơn đại đế (#1).
Ôi, những bà con xã An Định đã cưu mang chúng tôi, đã cho chúng tôi hưởng sự yên ổn của một mái nhà, sự ấm áp của một bếp lửa. Chúng tôi chẳng đem lại sự lợi ích nhỏ nhoi nào hết cho bà con mà chỉ toàn là sự quấy rầy, sự hao phí. Vì là trường Trung học độc nhất của tỉnh nên học sinh được tuyển chọn từ Xuân Lộc cực Bắc cho tới Hòa Xuân cực
Nam, từ An Ninh, An Chấn sát biển cho tới Xuân Quang, Xuân Phước giáp ranh Tây Nguyên. Tụ hội về đây coi như là những học sinh giỏi nhất của từng trường địa phương, như lớp kem nổi lên mặt chén sữa. Giống nhau như từ một khuôn đúc ra. Con gái: sơ-mi măng-sết trắng, quần đen. Con trai: áo bằng vải ta nhuộm xám, quần nhuộm xanh chàm, nâu. Đi bộ sáu mươi cây số từ Xuân Cảnh vô, năm mươi cây số từ Hòa Đồng ra, ruột nghé gạo căng phồng đánh vồng qua eo ếch hoặc đeo trên vai. Xoay trở chỉ có hai tư thế đó. Nếu đi chung một đoàn bốn, năm anh chị em thì thêm một tư thế thứ ba: bẻ một đoạn cây ở dọc đường làm đòn gánh rồi luồn mấy ruột nghé gạo vộ Chia phiên nhau mà gánh. Vai và lưng học trò làm lụng chưa quen nên dưới đòn gánh có kê một miếng khăn xếp dày cho đòn gánh đỡ cứa xương quai xanh và đi tới cây số thứ hăm lăm thì cột xương sống có chiều hướng cong về đằng trước. Và các cái miệng hết rinh rả. Trước ngày khai giảng một hôm và ăn Tết xong qua mồng sáu tháng Giêng, trên các ngả đường Phú Yên, cứ từng chặng là thấy cái cảnh sĩ tử nhập trường kiểu đó. Ông Lục Vân Tiên và ông Kim Trọng có tiểu đồng đi theo gùi gạo và gùi sách. Nhờ vậy mà khi gặp Nguyệt Nga và Thúy Kiều, hai ổng ngó bộ dễ coi hơn chúng tôi.
Bà con An Định chia nhau mà chịu đựng lũ học trò Lương Văn Chánh. Nói "chịu đựng" thì có quá đi chăng? Chúng tôi biết bà con thương chúng tôi lắm, thương lũ nhỏ này lắm, như thương con mình, cháu mình... nhưng tục ngữ đã "tấn phong" chúng tôi từ xưa rồi mà. "Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba... ". Hồi từ giã nhà ra đi, cha mẹ đều dặn:
- Ở nhà bà con, phải nói năng lễ phép, biết dạ biết thưa. Nhớ dọn dẹp gọn gàng chớ đừng có bỏ bầy hầy như còn ở nhà. Không ai trông nhờ gì tụi bây đâu, nhưng ít nhất cũng phải biết quét giùm cái nhà, xách giùm gàu nước.
Lời cha mẹ dặn cứ rổn rảng bên tai, nhất là khi gánh gạo đi đường. Có hồi tai nó còn vù vù, bắt mình phải ngồi xuống nghỉ đã. Áp dụng "Gia huấn" rất hăng vảo những ngày đầu. Quét nhà kỹ thiếu điều nạo nền nhà ra đổ ở bờ rào. Xách nước hăng đổ đầy hũ, lút hũ, nước chảy lênh láng, xói lở luôn mấy cây ớt trồng kề hũ nước. Mãi khi thấy có mấy cây gì trôi theo dòng nước, chạy lại chụp, giơ lên coi, nhìn lại chỗ "ngày xưa tươi tốt" thì mới biết tài phá hoại của mình. Lo moi đất trồng lại.
Nhưng việc đời, sự bất quá tam, qua ngày thứ tư thì cây viết chì rơi xuống nền nhà kiếm hoài không thấy, bởi chưng nó lẫn lộn với nhiều mảnh giấy vụn và lá tre lá khế bay từ bụi tre cành khế đứng ở mãi ven sân. Còn sự xách nước thì càng tệ hơn. Đã không xách giùm được một lon nước lại còn ném gàu nhà người ta xuống giếng. Rất dễ ném gàu như vậy. Hoặc do lơ đễnh, cứ thả cho gàu tụt xuống, tụt xuống nữa, hết dây rồi mà còn cứ thả cho tụt xuống thêm, đến khi chợt hụt tay thì quơ chụp không kịp. Vậy là đoạn dây được tự do rơi gọn xuống mặt giếng một tiếng "xoảng". Hoặc có lúc thì gàu đầy đang hì hục kéo lên, từng sải từng sải ngắn, bỗng nửa chừng dây đứt, gàu nước rơi xuống một cái rầm. Đứng loay hoay tìm cách giải cứu nhưng không xong, cuối cùng chậc lưỡi: "Thôi, để rồi... hay". Trong khi chủ nhà, giữa mùa cày mùa cấy, làm lụng ngoài đồng đầu tắt mặt tối, về tới nhà đã đỏ đèn. Thò gáo múc nước rửa cặp chân đầy bùn thì nghe tiếng gáo cạ vào thành chum rột rột. Đi ra chái sau mò kiếm cái gàu để ra giếng múc nước thì mò hoài gàu đâu

không thấy, tay lại mò nhằm cái móc sắt nhọn hoắt. Thật là giận thấu mây xanh. Chớ chi vào thời con Tấm con Cám thì cái gàu nằm ở đáy giếng còn biết cất tiếng kêu người chủ nhà ra vớt nó lên.
Ông thầy Bảy ở Soi Giữa - Ôi tôi nhớ cái vóc người mảnh mai của ông và ngôi nhà xinh xắn của ông quá, ngôi nhà nằm bên bờ sông Cái, đối diện với Mỹ Long- Ông thầy Bảy có đầy tinh thần hài hước nên một hôm đi coi mạch ở đâu về, thò gáo múc nước rửa chân, thấy chum khô queo, cạn ráo, ông la lên:
- Ra đánh con rắn ráo, bay! Con rắn ráo to quá! Mau mau!
Thằng Nha, thằng Phúc, thằng Liễm, thằng Lang, quê tận Khánh Hòa, vượt Dốc Mỏ ra Phú Yên theo kháng chiến, hiện đang ở trọ nhà ông. Nghe tiếng la, bốn đứa lật đật chụp roi mây, gậy gộc, thanh củi hùng hổ xông ra đánh rắn!
Học trò chia nhau ở rải rác gần như khắp mọi nhà. Ở phía bên Nhất Trí, chiều nghe tiếng ếch nhái kêu ở các ruộng nước, nhớ nhà vô kể. Ở Soi Giữa, qua mùa lụt đi lại phải chờ đợi một con đò. Ở Đồng Me ít sợ Pháp nhảy dù vì có dãy núi cao nằm chắn sau lưng. Cái hố nước chạy từ núi xuống, chạy quanh trong xóm, cũng làm cho con người an tâm. Khi có máy bay thả bom, có thể di chuyển dưới lòng hố mà tránh xa nơi nguy hiểm. Sườn núi được trồng đầy cây gai lá xanh mướt. Khi biết rằng bằng lá gai đó người ta làm bánh ít thì, nhìn sườn núi xanh mà cảm nghe như có vị ngọt đâu đây.
Học sinh Trung học dưới thời Pháp thuộc học trong sách viết bằng tiếng Pháp. Nay những thầy giáo của chúng tôi phải tự soạn ra bằng tiếng Việt để dạy. Soạn ra bài rồi lại phải tự in để phát cho học sinh thay sách. Vì thời đó chưa kịp có sách in. Thiết bị ấn loát của các thầy là 4-5 phiến đá cẩm thạch trắng. Thầy trò khiêng đá ra bờ giếng nai lưng ra mài cho nhẵn, cho sạch rồi phơi khộ Sau đó dùng mực li-tô chép bài lên mặt đá, nét viết chữ ngược. Sau cùng đến giai đoạn lăn mực đen lên mặt chữ, đặt giấy trắng lên, lăn ru-lô cho mực thấm vào giấy rồi gỡ giấy ra. Bài học hiện ra trên trang giấy. Các thầy giáo ăn ở tại trường, trong một căn nhà tranh vách đất. Tượng trưng cho sự đạm bạc mà tôi còn nhớ, đó là thau rửa mặt chỉ là hai cái chậu làm bằng đất sét nung đỏ từ Lò Gốm dưói Ngân Sơn gánh lên bán.
Về nhiều mặt sinh hoạt, nhà trường đóng vai tiền phong. Cũng tất nhiên thôi, vì lực lượng đông, trẻ, có kiến thức. Chỉ chịu thua trường Quân Chính ở Mỹ Long về mục ca kịch. Nhớ có một lần trường đưa đoàn kịch nghệ lên diễn ở La Hai. Khán giả ùn ùn tới coi, vé bán không kịp. Ngạc nhiên không hiểu sao trường mình được ái mộ đặc biệt như vậy. Nhưng khi hát thì được biết khán giả hứ hé chê quá. Tìm cho ra lẽ vì sao vừa chê bai vừa rùng rùng đi coi thì khán giả nói:
- Nghe đồn trường Quân Chính kịch. Chớ ai dè là trường Lương Văn Chánh.
Thì ra chỉ vì tên hai trường nghe gần giống nhau nên khán giả bị lầm, khiến có sự thành công phi thường đó. Thầy trò ôm bụng cười một bữa nôn ruột. Cười mà lương tâm không cắn rứt, vì kỳ diễn kịch đó là lấy tiền giúp quỹ cứu tế nạn lụt chớ không phải để lấy lợi riêng.
Những năm, những chục năm đã vun vút trôi qua, các bạn học cũ gặp nhau trở lại, có

người đã ngót năm mươi, có người tóc đã lốm đốm hoa râm. Riêng phần tôi tại sao bỗng dưng tôi lại nhớ trường? Đó là vì hồi sáng tôi đã đi băng qua một cánh đồng lúa sạ Ở thôn Diên Phước, nhìn những gié lúa cong lưng dưới ánh nắng rưng rưng tháng Chạp. Trong không khí có lẩn quẩn cái lạnh nhẹ nhàng cuối năm. Cánh đồng lúa vàng rực trải rộng trước trường Lương Văn Chánh hiện ra rõ ràng trong trí nhớ, với niềm háo hức sắp được nghỉ học về quê ăn Tết mười ngày. Trong đêm vắng lặng giờ đây, tôi ngồi êm đềm nhớ lại những kỷ niệm cũ trước một cuốn vở học cũ còn giữ lại được từ những ngày xa xưa ấy. Cuốn vở đóng bằng giấy Nam Trung, thứ giấy nội hóa vàng màu rơm. Mặt giấy khô nhám lợn cợn, hút mực, dễ nhòe. Lề vở chừa rất hẹp, dòng gạch rất sít, chữ viết cố gắng sao cho nhỏ nhất. Một thời khắc khổ! Những bữa cơm với một trái cà dĩa giằm nước mắm. Với sắn nước Phường Lụa đảo qua đảo lại trong chảo, không dầu. Với trái thơm chợ Đồn, dưa gang Trung Lương bằm trộn với mắm nêm Tiên Châu, ăn tiện tặn, ăn hoài không hết, tựa hồ hũ mắm Thạch Sanh. Tháng Chạp biển êm, cá đăng, cá giã chạy từ Vũng Lấm chạy vô, chạy từ Ma Liên, Mỹ Á chạy ra, cá bày trắng chợ. Trời tối đi học về, qua chợ Sen, những liếp dính vẩy cá, những đống vẩy cá được dồn lại, những mảnh vẩy cá bỏ tung vãi rải rác, tất cả lóe sáng màu bạc trắng, lấp lánh trong đêm đen. Nhưng túi tiền học trò có hạn, đến nỗi các bà bán cá đều biết nên hốt bán cho "lũ nó" loại cá nào. Thì hết cá lù đù -Ừ, cá gì mà cái đầu to chầm vầm, mà cái mình cụt ngủn, ngó bộ lù đù thiệt- đến cá hố dải, dài lòng thòng mà mình mỏng lét như những sợi dây nịt.
Nơi trang chót của cuốn vở, không nhớ do đâu mà có ghi mấy con số:
- Tháng 5-1952: Cúp tóc hết 300 đồng tín phiếu. Cầu Máng Tuy Hòa bị bom, gạo từ 1000 đồng một ký vọt lên 1500 đồng rồi 2000 đồng, rồi 2500 đồng. Dầu phộng 1200 đồng 1 lít. - Tháng 7-1952: Chị Quảng, chủ nhà anh em thằng Tĩnh, thằng Điện, anh em thằng Dinh, thằng Hoa, quê Gò Duối, bán 12 ký đường được 12 ngàn đồng, đem mua hộp Bévitine.
- Tháng 9-1952: Gia đình thằng Khương ở Nha Trang gởi ra cho nó một đồng hồ Printania bán được hai trăm ngàn và 10 thước vải trang đầm, bán 16 ngàn đồng một thước.
Lần lượt những khuôn mặt bạn bè hiện ra, thằng Trúc ở Đồng Tròn, thằng Hải ở Đồng Ké, con Trang ở Đồng Nghệ, thằng Khải ở Gò Thị, thằng Khoa ở Gò Chai, thằng Lung ở Gò Dài, con Khanh ở Hóc lá, con Bích ở Hóc Bèn, con Chinh ở Hóc Bò, thằng Sang ở Hóc Rùa, thằng Duật ở Gành Đỏ, thằng Thuận ở Gành Hàu... chao ôi những địa danh nôm na nên thật dễ thương, nên trìu mến biết bao: Gò Sạn, Gò Điều, Đồng Tranh, Đồng Cháy, Núi Một, Núi Bà, Bãi Trầu, Bãi Sú, Dốc Găng, Dốc Quít, Hòn Yến, Hòn Nần... làm sao nhớ hết. Những địa danh bằng chữ Nho, sang trọng thì có mà vốn thật nghèo nàn, những bộ Óc thật hẹp của các ông Lý trưởng, các ông Chánh tổng chỉ quen véo von quanh quẩn ở những chữ Phước chữ Thịnh, chữ Hòa chữ Long... hết Long Phước đến Phước Long, hết Phú Thịnh đến Thịnh Phú. Mải mê moi lục sách cổ mà quên nhìn ra cảnh vật trước mắt để thấy cây găng cây thị, con hến con rùa.
Trong đêm vắng lặng, những hàng chữ, những con số trong cuốn vở cũ lần lượt rất êm, rất nhẹ, tan loãng dần đi để lặng lẽ dựng lại khung cảnh sinh hoạt của những ngày dĩ vãng

trong đó tôi thấy lại tôi, một cậu học trò quê mùa mười lăm tuổi, tóc hớt cao, áo vải xi-ta xám, vừa thả tay làm rớt gàu của bà chủ nhà xuống mặt giếng sâu.
Chú thích:
(1-) Tên một vị vua Hi-Lạp anh hùng, có tài chinh chiến, sinh năm 356 trước Tây lịch.

Bình luận