Lý do họ ở lại

Khi ánh mặt trời buông xuống, phía bên kia, tòa Norodom màu trắng đang tối dần cùng mảng xanh cổ thụ. Em tôi đóng chiếc cổng công ty nơi nó làm việc, rồi cùng tôi đi đến một nhà hàng chay khá có tiếng ở Sài Gòn trong những năm gần đây. Trên đường đi, hòa vào dòng người nhốn nháo chen chúc nhau ở các ngã phố, tôi có cảm giác như những làn ranh kỷ luật đang hẹp dần theo thời gian, khiến những giọt mồ hôi trong tôi túa ra, mệt mỏi và bất an.
Nhưng khi đến chỗ hẹn, chúng tôi gởi xe chỗ bác bảo vệ đáng kính có giọng nói hiền từ, rồi bước vào không gian rộng rãi, ấm cúng của nhà hàng, lại cảm thấy mình khỏe hơn. Nhà hàng chay không lớn mấy, nằm khiêm tốn ở một góc đường yên tĩnh thuộc Đakao, xung quanh là những ngôi nhà kín cổng cao tường. Cách bố trí bàn ghế thanh tao khiến cho không gian càng thêm rộng rãi, thoáng đãng, ấm cúng. Anh em tôi đến đây vì có hẹn với một người.

Người hẹn chúng tôi là Lee, tôi đã có dịp làm quen với Lee trong một lần hội thảo phúc lợi động vật gần đây. Lee hơn tôi một tuổi, hiện đang làm việc trong nhà hàng này. Trước khi tôi đến đây, Lee nói với tôi vì nhận thấy có sự tương đồng trong cách nhìn cuộc sống, nên chị muốn mời hai đứa tôi một bữa ở nhà hàng này để hiểu nhau hơn. Vừa ngồi xuống, anh em tôi đã bị Lee hối thúc gọi món.
“Mấy em gọi đi, chị gọi sẵn súp rồi đó. Súp ở đây ngon lắm.” – Lee nói, vẻ thân tình.
Nhưng khi nhìn vào thực đơn với vô số món, chúng tôi cần sự trợ giúp của Lee. Chị thết đãi anh em tôi rất cởi mở, nhưng sự cởi mở ở tính cách chị khiến tôi có cảm giác cơn đói đã biến mất. Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò trong một không gian thanh tịnh, với các thực khách vô cùng tế nhị và nhân viên phục vụ cũng chu đáo nhẹ nhàng.
Lee trước đây có một thời gian dài làm việc ở Mỹ, chị nói công việc của chị ở xứ người lúc đó tiến triển tốt, thế nhưng sau đó chị quyết định về Việt Nam vì lý do cá nhân. Sau khi về quê nhà làm việc trở lại được một thời gian, Lee nhận ra đó là một quyết định không thật sự sáng suốt. Với những trăn trở trong lòng và tương lai tuổi trẻ còn ở phía trước, chị muốn một lần nữa quay trở lại Mỹ, song có một điều đã trở thành luồng ý thức níu chân chị lại. Khi chúng tôi muốn biết đó là điều gì, chị vui vẻ trả lời cùng với nụ cười. Phải nói là Lee rất hay cười, và nụ cười chị thật sự duyên dáng với đôi đồng điếu nơi khóe miệng.
“Chị quyết tâm ở lại vì đã quen với hình ảnh nghèo khó đau thương của nhiều mảnh đời quanh mình. Nếu ra đi, mình cũng không biết có thật sự sống thảnh thơi không.”
Nghe câu đó của chị, anh em tôi mỉm cười thán phục.
“Nhiều khi tụi em lại muốn được đến một vùng đất mới mẻ. Vì ở đây nó có nhiều hạn chế quá.”
“Mình có thể đến một nơi sung sướng, ở đó đất nước người ta có nhiều đãi ngộ, môi trường làm việc năng động, không khí trong lành. Nhưng nó khiến chị có cảm giác mình không phải là người Việt Nam nữa, khi mà cuộc sống nó quá êm đềm, quá tự do. Còn ở Việt Nam, ngay cả Sài Gòn này chẳng hạn, có những việc mà mình đi đến nhiều nơi cũng chẳng dễ gì để thấy những hình ảnh như vậy. Có quá ít tương lai cho những người nghèo, khi họ phải thường xuyên làm việc quá sức mình.”
Tôi hiểu những tâm sự của Lee, và thật sự quý mến chị vì điều đó. Lee có cái nhìn khác với đa số người trẻ, trong đó có tôi, những con người luôn mang trong mình ý nghĩ muốn được thoát ly. Đúng vậy. Tôi yêu Sài Gòn, yêu con người, cảnh trí và cả quá khứ của thành phố này; như nhiều người trẻ ngoài kia, tôi cũng yêu đất nước và đồng bào của mình, nhưng dù tình yêu đó có lớn đến đâu tôi cũng không thể ngăn mình mộng tưởng về một vùng đất khác, nơi đầy những cơ hội cho sự cống hiến. Là một người viết, bản thân tôi thấy những khó khăn gặp phải trong đời sống sáng tác là không hề nhỏ. Hàng ngày tôi vẫn nhìn thấy rất nhiều điều diễn ra trong những góc khuất cố hữu, những mảnh đời không thể thốt nên lời. Nhưng với Lee thì khác, có lẽ là do chị đã từng trải qua, từng sống ở nơi đất khách quê người nên thấu hiểu cái cảm giác ràng buộc ở quê nhà. Tôi nhớ có lần một người chị trong giới nghệ sĩ nói với tôi: “Chị đi nhiều nước, đến nhiều nơi, dù nơi đó văn minh và tự do thật, nhưng chị không thấy nơi nào có thể thay thế quê hương mình. Những người trẻ như em mới cần phải đi.”
Trong bữa chay tối đó, nhân lời tâm sự của Lee, em tôi nhắc đến câu chuyện của Jack, một người bạn vong niên của nó. Jack là người Mỹ, nhưng ông đã gắn bó với Việt Nam hơn mười năm khi đang còn là một giáo viên dạy tiếng Anh ở Sài Gòn. Có những năm Jack đưa gia đình của mình qua đây sống hẳn trong một căn hộ ngoại ô, giống như bao gia đình Việt Nam khác cho đến khi họ phải quay về Mỹ vì những ràng buộc ở quê nhà. Nhưng năm tháng Jack trở lại Mỹ, ông luôn đau đáu về Việt Nam. Dù không dư dả trong tài chính, nhưng mỗi năm ông vẫn trở lại Việt Nam vài lần để thực hiện những chuyến thiện nguyện xuyên đất nước. Hiện tại Jack đang xây dựng một dự án du lịch dành cho những sinh viên Mỹ muốn khám phá Việt Nam. Em tôi nói, Jack không thể yên lòng khi sống ở Mỹ, ông luôn nghĩ về Việt Nam với những con người cần giúp đỡ, trong khi không ít bà mẹ Mỹ chỉ muốn con cái họ đừng đi làm để nhận tiền trợ cấp của chính phủ.
Lý do họ ở lại hay quay trở lại là vậy. Trong những hoàn cảnh nhất định, con người ta có quyền quyết định cuộc sống của bản thân mình dựa trên thân phận của người khác. Và khi tập tính yêu nước thương nòi của người Việt đang bị xói mòn ở khía cạnh nào đó, thì cách những người bạn của tôi quên đi tiếng gọi từ nơi khác để ở lại quê nhà thật đáng trân trọng.

Bình luận