Đà lạt trong tách Cappucchino

Tách Cappucchino đặc quánh của bàn bên cạnh khiến tôi chăm chú hơn cả khung cảnh đang chuyển động không ngừng phía ngoài cửa sổ, những làn xe nối nhau lướt đi dưới ánh đèn nhập nhoạng của buổi tối Sài Gòn. Người ta tạo hình một cành cọ trên bề mặt tách cà phê Ý, thứ nước ấy không ngừng tỏa ra mùi thơm hấp dẫn. Chiếc lá cọ dập dềnh sóng sánh chẳng hiểu sao làm tôi liên tưởng đến tháp tùng, gợi nhớ về những buổi chiều tà Đà Lạt – dù thành phố nơi tôi sinh ra không có nhiều cọ.
Nỗi nhớ sẽ khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến mọi thứ từ ý tưởng nhỏ nhặt nhất, mặc cho đôi lúc ý tưởng khơi gợi chẳng mấy liên quan đến kỷ niệm trong ta, nhưng không vì thế mà dòng suy tưởng lại bị ngăn lại. Tách cà phê Cappucchino tối hôm đó có lý do chính đáng để làm tôi bồi hồi về những buổi chiều Đà Lạt. Kể cả ngày mưa dầm dề ướt át hay ngày nắng vàng rực thì xế chiều vẫn là buổi đẹp nhất trong ngày, dù với tôi buổi sáng cũng là khoảng thời gian đáng để ghi nhận về một vẻ đẹp của thành phố. Mỗi lần về chơi, tôi không thức dậy quá sớm hay quá muộn, tầm hơn bảy giờ, khi đó trời cũng đã ấm dần lên, tôi ăn sáng ở gian bếp, bếp nhà tôi nằm ngay phía dưới cầu thang của khu nhà. Sau đó tôi ra phòng khách, căn phòng duy nhất có đến hai hướng nhìn ra ngoài, phía nào cũng dễ dàng chiêm ngưỡng khung cảnh của thiên nhiên, những cành cây đung đưa như cánh tay vũ nữ. Hàng cây đã đứng đó cả thế kỷ. Bên những tòa nhà, người ta có thể thấy bầy chim én tự do bay qua bay lại trên đó. Tia sáng mặt trời chiếu thẳng xuống, xuyên qua các khe

hở của cành cây, nhuộm lên những tán lá xanh ngắt một màu vàng huyền diệu lung linh.
Để rộng tầm nhìn hơn, tôi lững thững leo lên những bậc thang mặt tiền chung cư, đứng ở hành lang chính khu nhà, tha hồ hít thở ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, thi thoảng có một chiếc xe vụt qua rồi nhanh chóng biến mất, tất cả quay về vẻ tĩnh lặng ban đầu. Thời kỳ đó tôi chưa biết thưởng thức âm nhạc, cũng không chú tâm đọc sách hay viết lách như bây giờ. Như một lẽ tự nhiên, đó lại là thời gian tôi dành cho việc quan sát, một cách chú tâm và hăng hái. Những gì diễn ra, tôi dễ dàng lưu lại trong đầu, tự nhủ khi nào có dịp sẽ lấy ra như người thám hiểm lấy tấm mật đồ được cuộn kỹ trong chiếc ống lưu trữ bí mật. Buổi trưa, ánh nắng trong vắt vô hình, cảnh vật trở về với màu sắc thật của nó. Những bông hoa, bầy ong mật, hàng rào, ngọn cỏ, viên sỏi, mái nhà, tất cả trở về nguyên bản, nhờ vào thứ ánh sáng tự nhiên trong trẻo kia.
Ngày lãng đãng trôi qua bên khung kính, chiều bắt đầu buông sau rặng thông xanh, và trên mỗi cành hoa bầy ong đã tản đi từ khi nào, bóng dáng của loài chim đã ẩn mình sau những tòa nhà cũ kỹ. Tôi mở cánh cửa, bước ra đường, như một thói quen đã thành hình từ lâu, hễ cứ ra khỏi nhà là tay đút trong túi áo khoác – hoặc túi quần. Đã vậy, với dáng đi thất thểu, điệu bộ trầm ngâm, nom tôi chẳng khác gì một người bộ hành già nua lang thang, càng giống hơn khi bước đi dưới vẻ ủy mị của mặt trời đang buông dần ánh sáng mà cách đó nửa ngày còn căng tràn sự sống. Nhưng may mắn, tôi bay bổng, miệng thường huýt sáo theo đoạn nhạc ngắn, hễ gặp ai cũng mỉm cười như quán tính quen thuộc.
Hình thù mong manh trong tách Cappucchino tương phản khung cảnh cuối ngày Đà Lạt, cũng bởi vì màu sắc chiếc lá trên

bề mặt kem trắng muốt giống như ánh hoàng hôn đang buông xuống mọi ngõ phố, con đường, mặt hồ. Bọt kem gợn lên như màn sương mỏng phủ lấy rừng cây, mà có thể từ trên các tầng mây nhìn xuống mới thấy được nét đẹp của nó. Đà Lạt, chiều xuống nhân ảnh nhạt nhòa, cảnh sắc huyền ảo, mà khi tách cà phê được khuấy lên trở thành một màu nâu đồng đều, tia sáng mặt trời đỏ rực đang bao trùm phố núi. Tất thảy dần hóa thành bức tranh rực rỡ của người họa sĩ mù, John Bramblittl.
Người ta bắt đầu nhấp tách cà phê Ý, tôi miên man nuốt trọn những kỷ niệm vào trong, mà lòng dạ không cách nào nguôi ngoai. Rồi Sài Gòn tối đó nóng lên trong từng ngõ phố, cho tôi nhớ cái giá lạnh quê nhà, đau đáu với bao kỷ niệm thuở nào, ước muốn quay về chốn cũ vẫn là một giấc mơ dài. Tiếng cười nói của bạn bè hôm đó, như tiếng thông vi vu trước nhà. Hai chốn, thành một trong tâm hồn không thôi nhớ của tôi.

Bình luận