Món bánh căn phố núi

Tôi ngồi với lũ bạn hàng xóm quanh chiếc bàn gỗ thấp, đoạn cuối con dốc cách nhà chừng nửa cây số. Gió thổi mạnh, những cành thông lao xao trên đầu, đám cát trước căn nhà gỗ ở đoạn đường giao nhau bị quẩn lên rồi lắng xuống như cơn bão sa mạc vừa đi qua. Chiếc mũ len của tôi bịt kín hai tai chưa buồn cởi, áo khoác cũng kéo lên tới cổ, cô chủ gánh bánh căn đang đổ từng thìa bột gạo vào khuôn, bột bánh kêu xì xèo trên lớp dầu được quết trước đó.
“Sáng lạnh không mấy đứa?” - Giọng cô chủ khàn khàn hỏi, tay vẫn thoăn thoắt.
“Lạnh gì đâu cô, cô làm lẹ được không? Tụi con đói rồi.” – Một thằng vừa trả lời vừa lấy giấy lau từng đôi đũa. Hết thảy khoảng năm, sáu đứa.
“Xong ngay đây! Chờ cô chút nghe.”
Tôi và tụi bạn ban đầu ngồi thưa ra, chặp hồi sát lại với nhau như không còn lấy một kẽ hở. Cái thú ăn bánh căn sáng sớm ở xứ này thiệt đã. Gió lạnh chừng nào càng sướng chừng đó, vì gió chỉ đủ thổi đến lưng, còn mặt quay vào phía lò, than đốt đến đâu là cảm giác ấm đến đó. Hai tay xoa xoa vào nhau, từng đứa từng đứa cứ nhìn chằm chằm vào lò, hồ hởi chờ từng cặp bánh. Cô chủ gánh xoay trở nhanh, hốt một lần dăm cặp bánh đổ đĩa, người phụ gánh bưng nước mắm ra. Tụi tôi vừa thổi vừa ăn, khách quanh bàn cũng vậy.
“Ngon quá! Lâu rồi con không có ăn bánh căn ngon vậy đâu cô.” – Tôi nói.

“Cám ơn con. Mà bánh cô làm ngon thật không mấy đứa?”
Thật tình mà nói, tôi cũng có biết cô hàng gánh bánh căn này là ai đâu. Chỉ biết ở Ngã Ba Giao Thông gần nhà có quán bánh căn ngon, nên thỉnh thoảng mấy đứa trong xóm mò xuống ăn. Tôi là đứa ghiền món này, đúng ra bánh căn ở đây có hôm ngon, nhưng có hôm cũng thường. Ngoài nơi này ra tôi cũng đi ăn ở nhiều nơi, khi ăn ở trên phố, có hôm ăn ở chợ, có lúc ở gần Ngã Năm Đại Học, có lúc ăn ở khu Cẩm Đô. Nói chung quầy bánh căn gần khu Cẩm Đô là ngon, theo tôi nhớ là vậy. Có lần tôi cũng đi ăn ở một tiệm bánh căn ở gần khu Hòa Bình, người đổ bánh thì ở ngoài, còn người ăn vào trong nhà ngồi đợi, và tôi ấn tượng nhất bữa hôm đó là một sự nhàm chán, khi ăn bánh căn mà không được ngồi quây quần bên lò bánh.
Bánh căn ăn khi trời lạnh mới cảm được độ ngon của nó, bởi khi vừa đổ bánh người ta đã hướng khứu giác về phía khuôn bánh, cảm nhận được sự nóng hổi của lớp bánh, độ giòn của bột gạo ngay từ lúc bánh đang ở trong khuôn. Khi cắn miếng bánh đầu tiên, bạn sẽ thấy cảm giác vừa giòn vừa dai, giòn vì lớp cháy mỏng bao quanh bánh, dai vì độ dính kết của bột gạo. Nhân được làm từ thịt, tép hay trứng tùy vào sở thích của mỗi người. Bánh căn ở Đà Lạt đa phần không chấm mắm nêm mà là nước mắm mỡ hành, có thêm thịt bằm hay nếu muốn, đúng chất của nó là nước mắm cá, nhưng do Đà Lạt không có được cá tươi nên ít ai dùng làm nước chấm.
Bánh căn nên chọn ăn ở những gánh bếp chồm hổm ngoài trời, vì như vậy mới có cảm giác dân dã của nó, bởi món bánh căn là của người dân duyên hải Nam Trung bộ, mà người dân xứ ấy ngày xưa sống hào sảng, ăn uống cũng phải vậy, cứ cả làng cả xóm quây vào một bếp mà ăn, ăn ngay bờ biển, ăn ở cửa nhà, ăn xả láng, cười nói xả láng. Khi nào hết gạo lại ra biển kiếm cua

kiếm cá mang về đổi lúa, rồi lại có cái ăn như bao đời vẫn làm thế. Những chủ gánh bánh căn ở Đà Lạt đa phần xuất thân là dân miền biển di cư lên phố núi, làm đủ nghề sinh nhai, cho đến khi thấy món đặc sản của quê mình hợp với dân bản xứ, phần nhờ vào thời tiết. Bánh xèo, bánh căn, bánh canh cá, bánh bột lọc, bánh bèo rất được chuộng, vì vậy người ta không ngoa khi nói Đà Lạt có hương vị của Phan Rang.
Giờ tôi chuyển qua chế độ ăn thanh đạm để ủng hộ hành động nhân đạo với động vật, nghĩa là đang đoạn tuyệt với các loại thịt từ gia súc, gia cầm, hạn chế ăn tôm cá, vì vậy cũng lâu rồi tôi không ăn bánh căn Sài Gòn. Trước đó thì cũng có dăm đôi lần đi cùng bạn bè hoặc cùng em trai, nhưng cảm giác bánh căn Sài Gòn không sánh bằng bánh căn Đà Lạt, có lẽ vì thời tiết hoặc do không gian nhộn nhịp Sài Gòn làm mất đi cảm giác ngon của miếng bánh. Người làm bánh cũng khác với trong nhãn quan của tôi, họ giống với dân miền biển nhưng lại không phải dân miền biển ở phố núi. Nói như vậy giống như ăn bánh căn Phan Rang ở Sài Gòn để nhớ về Đà Lạt, như vậy nghe có lý hơn là đi ăn cho thỏa cơn thèm.
Dù cho thế nào đi nữa, những điều tôi viết ra cũng là theo cảm tính của một người đi xa khi viết về quê nhà. Nhưng với tôi, một khi mình gắn bó với mảnh đất nào, ắt sẽ khó quên cái cảm giác đã đi vào tiềm thức của miền đất đó, dù nơi mới đến, nơi nguyện ở như miền đất song song, trong một vài ngữ cảnh nó cũng không thể thay thế, không thể xóa đi cái tiềm thức vốn đã gắn chặt với cuộc đời mỗi chúng ta. Cũng như vậy, khi tôi về Đà Lạt, trong một vài ngữ cảnh, Đà Lạt cũng không thể thay thế Sài Gòn.
Hôm đó tôi và tụi bạn hàng xóm có một bữa sáng quá xá ngon, ngon vì lâu lắm chúng tôi mới được ngồi cùng nhau quanh lò bánh căn ấm cúng, giành nhau ăn từng chiếc bánh thơm ngon, dậy lên thứ tình bạn trong sáng tô tư. Và nó làm đầy thêm kỷ niệm của tôi về Đà Lạt thân yêu, cùng với một món ăn miền biển ở xứ núi, mà rất có thể tôi sẽ không bao giờ tìm thấy cảm giác như vậy ở bất kỳ nơi nào về sau.

Bình luận