Đà Lạt, hoài niệm và ân tình

Tôi có nguyện ước cuốn sách nhỏ này được xuất bản trong dịp Festival hoa năm nay, vì nếu điều đó được thực hiện, nó sẽ mang một ý nghĩa lớn cho cuộc đời tôi, như thể sau ba mươi năm hiện hữu trên cõi đời, tôi được tạ lỗi cũng như thành tâm hướng về thành phố quê hương mình. Còn nếu chẳng may chậm trễ, tôi cũng sẽ không lấy làm tiếc cho những dòng sau đây. Bởi khi mà sự kiện lớn nhất của người dân xứ sở ngàn hoa sắp diễn ra, cảm giác trong tôi nao nao khó tả, tôi sẽ viết với những dòng cảm xúc của riêng mình, với một niềm hy vọng nào đó trong tim mà bấy lâu tôi chưa có dịp giãi bày cùng ai.
Bao giờ cũng vậy, mùa đông luôn là thời khắc khiến tôi nhớ về quê hương nhiều nhất. Với những mong muốn sâu thẳm, tôi vẫn tìm cách khắc họa lại tấm chân tình dành cho quê hương, một bức tranh có cả hoài niệm, niềm tự hào lẫn những ước ao cháy bỏng. Mặt trời sẽ sưởi ấm những con đường heo hút dẫn vào cánh rừng, thì niềm tự hào sẽ soi sáng ta tìm đến ước mơ.
Tôi còn nhớ, trước kỳ Festival hoa đầu tiên một năm, tức mùa đông năm 2004, chính quyền thành phố cho tổ chức một lễ hội, gọi là Lễ hội hoa Đà Lạt. Lần đó không riêng gì tôi, mà đa phần người trẻ ở Đà Lạt đều rất háo hức. Dù cũng tự hiểu rằng những lễ hội ở tỉnh nhà đa phần đều rất nhàm chán, chúng tôi vẫn đếm từng ngày đến lễ hội, hớn hở đi thăm thú những địa điểm đang được thiết kế, dành dụm từng đồng tiền lẻ để đi chơi chỗ này, mua vé chỗ kia. Ngang qua diễu lại ở trung tâm, bờ hồ, công viên một ngày không biết bao nhiêu lần mà chẳng biết chán.

Vào yahoo messenger! gặp ai ở xa cũng hỏi có lên Đà Lạt chơi không, sắp có lễ hội hoa tưng bừng dữ lắm. Nghĩa là, trong lòng khi ấy cảm thấy rất tự hào.
Những dịp như vậy là lý do thu hút khách du lịch từ tứ phương kéo về, giúp các khu chợ và hàng quán được nhộn nhịp trong hình ảnh người mua kẻ bán, mấy điểm tham quan nọ kia sẽ dồi dào nguồn thu, và hơn hết người ta sẽ không thể quên một Đà Lạt thơ mộng, khác biệt so với vùng đất mà họ đang sinh sống. Quả thật như vậy. Năm đó thành phố nhỏ bé của chúng tôi chật kín khách du lịch. Về đêm, các khoảng sân rộng ở cơ quan, trường học trở thành bãi đậu của các loại xe du lịch cỡ lớn. Bước chân ra các khu Hòa Bình, bờ hồ, chợ Đà Lạt, mấy khu phố ăn đêm, chúng tôi thấy người khắp muôn nơi thăm quan thành phố, mặc cho cái lạnh căm căm, mặc cho sương gió len vào da thịt, trên khuôn mặt của đoàn người vẫn mang nét hồ hởi, vui thú, và chính cái vẻ lãng mạn gần gũi đó của người lữ khách phương xa đã truyền một sức sống mãnh liệt đến cư dân bản địa. Người bán áo chợ đêm có dịp kiếm thêm miếng ăn, cô bán bắp bờ hồ về nhà khuya hơn ngày thường. Khu chợ đêm đèn đóm sáng choang, áo choàng, badesi, măng tô, mũ trùm, khăn len, găng tay là những món đồ mà dân du lịch ưa mua mỗi độ lên chu du xứ lạnh. Ở câu chuyện khác, tôi được nghe một số người khi ấy đang ấp ủ lập nghiệp bằng nghề trồng hoa bàn tới rất nhiều. Họ hy vọng sau dịp lễ hội sẽ có thể giao lưu được với các nhà trồng hoa đến từ Nhật, Thái và Hà Lan... Cũng chính năm đó tôi bắt đầu nghe về danh từ Hasfarm, và điều đó gợi cho tôi một mối liên hệ giữa Đà Lạt và người châu Âu trong lịch sử.
Trước đó đúng một năm, tức mùa đông năm 2003, thành phố cũng tưng bừng đón một sự kiện, gọi là Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập Thành phố Đà Lạt. Năm đó tôi nhớ dân Đà Lạt chúng

tôi có dịp tôn vinh bác sĩ Alexandre Yersin, người có công rất lớn trong việc biến cao nguyên Lâm Viên hẻo lánh, xa cách với đồng bằng thành một xứ sở tuyệt vời mà nhiều người đã không thể thốt nên lời, để rồi sau đó một thị xã Đà Lạt hữu tình hình thành dưới thời Toàn quyền Đông Dương như một địa điểm nghỉ mát của người Pháp. Vào thời đó, dân ta phải sống trong cảnh đô hộ, gánh chịu niềm đau thương tủi hờn, và sau bao năm tháng quật cường chiến đấu, người Việt mới được tự do trên mảnh đất của mình. Nhưng là một người Đà Lạt, tôi vẫn biết ơn những bậc kỳ nhân Pháp, những kiến trúc sư bậc thầy, những nhà khoa học lỗi lạc.
Bắt đầu từ chuyến thám hiểm nhỏ của Paul Néis, mà Đà Lạt của tôi có cả ngàn căn biệt thự thơ mộng, những chốn thiên đường hiện ra từ những cái tên Prenn, Cam Ly, Valleé d’Amour - Thung Lũng Tình Yêu, Hồ Than Thở - Lac des Soupirs, Núi Voi, Đồi Cù... Và quan trọng hơn, lịch sử đã cho chúng tôi hưởng một nền văn minh tân tiến của châu Âu, biến Đà Lạt thành một giấc mơ khác biệt mang tên ngàn hoa, xứ sở sương mù và vùng đất ái tình, hay đơn giản là để tôi biết Đà Lạt từ nhiều khái niệm văn hóa. Vì lẽ đó mà những cái tên như Yersin, Ernest Hébrard, Paul Néis mãi mãi là những bậc kỳ nhân trong lòng tôi. Và dù Đà Lạt có đang ở thời cuộc nào, với tầm phát triển nào, thì lịch sử hình thành nên thành phố đối với những người như tôi không bao giờ quên. Tôi tự hào là người Đà Lạt không phải vì tôi có được diễm phúc sinh ra ở một vùng đất lãng mạn, xinh đẹp. Tôi tự hào bởi vì với tôi Đà Lạt là xứ sở dễ khiến con người ta ưa chuộng cái đẹp, biết tìm về thiên nhiên và không quên đi ân tình. Như vậy, tôi mới có thể chắc chắn về tình yêu nguyên vẹn mà tôi dành cho Đà Lạt.
Hai tiếng “Đà Lạt” luôn luôn thổn thức trong tim tôi, nơi đã

tiễn tôi đi trong những năm tháng của tuổi mộng mơ và sẽ đón tôi về với một tâm hồn rộng mở. Tôi yêu Đà Lạt, thành phố của vạn con dốc đã hằn lên biết bao thời kỳ tươi đẹp, xứ sở ấy đã ôm tôi qua những năm tháng biến động của trái tim yếu ớt. Đà Lạt sẽ lại chở che tôi như những ngày ấu thơ, để tôi mãi mãi là một người con ở vùng đất này. Và giấc mơ trở lại không bao giờ còn xa, để tôi tiếp tục những câu chuyện về Đà Lạt cùng với ai đó, khi họ muốn nghe.

Bình luận