Có những Đà Lạt trong tôi

Trong tim tôi có hai Đà Lạt bất hủ, một Đà Lạt với bầu trời nắng vàng rực giăng đầy mây trắng, Đà Lạt của những con đường tràn ngập sắc hoa cùng tiếng chuông nhà thờ rộn vang. Một Đà Lạt khác u buồn thống thiết với cơn mưa như giằng xé một khoảng trời thăm thẳm, nhấn chìm mọi ước muốn dạo chơi trên đồi hoa. Tôi yêu cả hai Đà Lạt cùng với một tình yêu cháy bỏng.
Một chiều mùa xuân năm tôi chín tuổi hoặc nhỏ hơn. Tôi không nhớ rõ nhưng đúng là ngày ấy tôi còn rất nhỏ. Ba mẹ đưa anh em tôi đến nhà một người bạn của họ nằm cách khá xa trung tâm, tôi nhớ vậy là bởi vì nơi đó khá hoang vắng. Gia đình mà chúng tôi đến thăm cũng ở trong một căn hộ được phân ra từ ngôi biệt thự cổ kính của người Pháp. Ngôi biệt thự này nhỏ nhắn, xinh xắn hơn khu nhà của gia đình tôi. Mặt tiền ngôi nhà hình vòng cung, vôi trắng và cửa màu xanh, cầu thang ngắn và thấp. Cả khu nhà chỉ có một hành lang hơi thiếu ánh sáng, hai bên là những căn hộ được chia từ các phòng nguyên thủy, những người chủ căn phòng dường như không muốn cơi nới thêm và các cánh cửa luôn được đóng kín để giữ không gian riêng tư.
Tôi nhớ mình đã dành nhiều phút để đi qua đi lại giữa hành lang, có thể lúc ấy tôi thấy hành lang này khác lạ so với những nơi mình đã từng đến trước đó. Bí ẩn, tối tăm và đặc biệt tiếng vọng từ nền gỗ mà tôi còn nhớ rõ. Thế nhưng khu vườn phía sau lại như nơi chốn khác. Thời khắc nhìn thấy khu vườn được cho

là ký ức đẹp nhất của tôi về Đà Lạt những năm thập niên chín mươi. Đó là một mini garden đương đại, nhưng trông rất hoài cổ, xung quanh được rải đầy đá dăm màu xanh, một số bức tượng nhỏ được đặt trên những hàng gạch nung đỏ, đa phần chúng bị phủ rêu xanh và ít được cọ rửa. Khu vườn không nhiều hoa nhưng bông hoa nào cũng rực rỡ, tươi tắn, có một ít đang đâm nụ. Giữa trung tâm khu vườn xuất hiện cây liễu già cỗi, những chùm liễu đỏ au rủ xuống như dàn đèn rực rỡ thắp sáng các khóm hoa nhỏ xung quanh. Cách đó vài bước chân, cội anh đào mang lớp áo màu hồng đứng nép nơi bức tường thực vật xanh ngắt, kế bên là chiếc ghế dài, xung quanh người ta trồng một khóm hoa màu tím có cánh nhỏ xếp chồng lên nhau, tôi không biết đó là loài hoa gì.
Đứng nhìn bao quát khu vườn từ xa hồi lâu như vậy, thằng nhóc tôi thưởng ngoạn bước đến đó, nhìn ngắm từng cánh hoa nhưng không dám chạm vào chúng, bởi vì trên mỗi một bông hoa đều có vài ba chú ong đang gồng mình hút mật. Tôi thấy rõ đôi cánh của chúng đang đập với tốc độ rất nhanh. Vì khi ấy còn quá nhỏ, trí tò mò của tôi nằm trong ý nghĩ thầm lặng của một đứa trẻ. Nếu bây giờ được trở lại nơi đó, tôi sẽ hỏi ai đã tạo ra một khu vườn giản dị nhưng quyến rũ đến vậy. Hẳn người này có một cuộc sống rất tinh tế. Hoặc có thể khu vườn ấy không được chăm sóc thường xuyên nên đã tạo được sự cuốn hút tự nhiên như vậy. Nhưng dẫu sao, Đà Lạt rực rỡ trong tôi bắt nguồn từ khu vườn lạ lẫm đó.
Mùa đông, mùa mà tôi thích nhất trong bốn mùa, và bản violin concerto có tên Winter cũng là bản nhạc tôi thích nhất trong tổ khúc Four Seasons của nhạc gia người Ý, Antonio Vivaldi. Nhưng mùa tôi dành nhiều cho ký ức của mình nhất là mùa hạ, như bộ phim Hương mùa hè trong series phim Bốn mùa

của KBS, trở thành bản tình khúc thời niên thiếu của tôi và bạn bè tôi. Song mùa hạ ở Đà Lạt lại là một hình ảnh riêng với vẻ u buồn độc đáo, là sự kết hợp với không khí tĩnh mịch của mùa đông và những cơn mưa như trút đặc trưng của xứ ấy. Nếu như Sài Gòn có những cơn mưa mùa hạ bất chợt kéo đến tưới mát không khí oi bức, thì Đà Lạt lại là chuỗi ngày với cơn mưa dầm ẩm ướt và đầy giông tố mang đến cho người ta cảm giác cô đơn tận cùng.
Có những buổi chiều, ngồi nhà một mình trước bộ phim cũ được phát trên vô tuyến, tôi cảm giác hơi lạnh từ bên ngoài tràn vào gian phòng khách qua khe cửa gỗ. Tôi lấy remote được bọc trong lớp chống bụi chuyển sang một chương trình ca nhạc sôi động với hy vọng cảm giác ấm áp hơn, nhưng cuối cùng màn hình tivi đã được tắt, và thứ đập vào mắt là hình ảnh phản chiếu một khung cảnh trắng xóa bởi nước mưa. Mưa rất to và dường như trên mái nhà vọng lên tiếng lộp cộp, nghe như những viên đá nhỏ rơi từ trên trời xuống. Tôi cứ ngỡ như đó là mưa đá, nhưng không phải. Đó chỉ là cơn mưa bình thường của một buổi chiều tháng Bảy ở xứ sở này. Tôi nhẩm tính, thời gian của cơn mưa đã kéo dài hơn năm tiếng đồng hồ, từ đầu giờ chiều đến chập choạng tối. Và màu sắc của bầu trời cũng chỉ có một: trắng xóa.
Vẫn như cậu bé ngóng bóng mẹ về, tôi nhìn ra khoảng không trắng xóa trước mặt với đôi mắt buồn rười rượi. Nếu thời khắc ấy là một chiều mùa xuân, có lẽ tôi đã tản bộ và ngắm ánh mặt trời đỏ rực phía triền núi. Nếu là mùa thu, tôi có thể đang ngồi ngoài sân vừa hứng những giọt nắng cuối cùng vừa đọc cuốn sách mỏng với cổ áo kéo cao. Nếu là mùa đông, hẳn tôi đang mong trời nhanh tối để được tản bộ dưới tiết trời giá rét cùng một ai đó. Và nếu, đây là một buổi chiều mùa hạ không mưa,

hẳn tôi đang cùng đám bạn lông bông đâu đó trên các con đường nhộn nhịp nhất của thành phố, nhìn những cánh diều đầy màu sắc quấn vào nhau ở công viên Yersin, mà cũng có thể, lặng lẽ đứng trên ban công của khu nhà nhìn ra khoảng không trước mặt, nghĩ về tương lai mênh mông trước mắt, không có một điểm nhấn nào cho cuộc đời. Nhưng mưa vẫn mỗi lúc một nặng hạt, nếu như ở Sài Gòn có lẽ người dân đã phải bì bõm với dòng nước ngập lên sát sườn xe rồi. Không còn nghĩ đến mưa bão nữa, tôi ngồi thu lu một góc, hai từ “tương lai” bao giờ cũng khiến những suy nghĩ trong tôi tê dại. Có lúc cánh cửa chợt rung lên, gió rầm rập ngoài sân, nước tràn qua những khe hở nhỏ vào nhà, hơi lạnh đang tỏa khắp căn hộ gia đình tôi. Nỗi sợ kèm theo sự phấn khích lại khiến tôi bàng quan trước viễn cảnh của đời mình, tôi sẽ không lùi bước, dù lúc ấy tôi không biết mình đang bước đi đâu hay có thật sự bước không, hay chỉ là đang dẫm chân tại chỗ. Khung trời lạnh lẽo ngoài kia cùng với tâm trạng mông lung hòa vào nhau dễ tạo thành một cơn bão lòng trong con người ta. Nhưng tôi đã quen với cảm giác đó. Ở bất kỳ ngữ cảnh nào thì bầu trời mưa giông cũng như một bản nhạc với đầy đủ những tiết tấu réo rắt, du dương. Trong những ngày hanh khô, xác lá quắt queo, tôi chỉ mong sao Đà Lạt có cơn mưa như thế trút xuống, để nỗi niềm trong tôi được bay lên. Mưa dầm Đà Lạt vừa ám ảnh, vừa kích thích đời sống của một người vừa sôi nổi, vừa trầm lắng như tôi. Nó khiến tôi tin vào một ngày nắng bừng lên không xa, như cuộc đời của một con người cũng sẽ tìm thấy hơi ấm sau đêm giá lạnh.
Khi những suy nghĩ cứ vần vũ trong đầu, tôi chợt nhận ra cơn mưa ngoài trời cũng đã tạnh, không gian bốn bề im phăng phắc, mẹ tôi không biết đã về từ lúc nào. Một lúc sau, mùi đồ ăn bốc lên sau bếp, tỏa ra tận chỗ tôi đang ngồi, xua đi bớt không

khí lạnh cóng. Rồi ba tôi cũng về, em trai tôi cũng kết thúc buổi học thêm. Chúng tôi ngồi quây quần bên bữa ăn với vài câu chuyện trong ngày, một ít dành cho nắng mưa, một ít dành cho ngày mai. Trong khi tôi đang hình dung về một ngày làm được điều gì đó ý nghĩa cho cuộc đời mình, thì tiếng mưa lại vọng lên từ khu vườn phía ngoài. Tôi lại lùa vội chén cơm để giấu nhẹm đi tất cả những nghĩ suy. Cả đêm tôi nằm nghe tiếng nước chảy phía cửa sổ. Chợt nhớ đến câu nói của ai đó “Mưa Đà Lạt khác gì con gái trả thù đâu chứ? Nó dai dẳng, ai oán và cuồng điên.” Ừ, có thể, nhưng tôi yêu sự cuồng điên ai oán đó.
Dù mộng mơ với ngày nắng lung linh đẹp đẽ hay muộn phiền suy tư trong chiều mưa trắng xóa thì Đà Lạt vẫn cho tôi cái cảm giác yêu thương đến kỳ lạ. Mỗi lần nhớ lại tôi như đang ngắm nghía hàng thông già quanh tòa biệt thự cũ kỹ, nhìn thấy chú sóc tìm cách len qua cái hàng rào ngăn cách giữa lối đi và đồi cỏ xanh rờn. Và cứ thế Đà Lạt ùa về trong tâm trí tôi những hạt nắng đang hong khô bức tượng nơi nhà thờ, những cơn mưa vồ vập bên ngọn đồi hoang vu, gõ vào khung kính trên căn gác nhỏ một bản tình ca sơn cước, mà cõi lòng tôi không bao giờ quên.

Bình luận