Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh Và Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc - Tập 1

Tác giả : Hoàng Xuân Chỉnh
  • Lượt đọc : 19
  • Kích thước : 30.62 MB
  • Số trang : 103
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 253
  • Số lượt xem : 1.641
  • Đọc trên điện thoại :
  • Đọc Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh Và Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc - Tập 1 trên điện thoại
...So với cuốn Từ điển của tác giả Hoàng Xuân Chỉnh trước, cuốn từ điển này đã bố sung rất nhiều tư liệu vào phần đã có, như nhiều chỗ chữ Hán - Việt không được ghi chép trong bản cũ, và thêm nhiều vào nhân vật mới của thời nay, hay những danh từ mới xuất hiện trong cận đại. Thêm vào đó, ấn bản mới có nhiều mục như: Phần phiên âm bình dân, các triều đại từ thượng cổ đến hiện đại, danh sách quốc gia và thủ đô trên thế giới theo Hán tự, danh sách một số danh nhân thế giới, văn học gia hiện đại Trung Quốc như Vương Lực Hùng, Trương Khiết, Vương An Ức, Tô Hiểu Khang; mỗi nhân vật chính trong từ điển như Tào Tháo. Tây Thi, Hạng Vũ, Tần Thủy Hoàng và Đặng Tiểu Bình... đều có bài thơ kèm theo của thi sĩ Thái Cuồng. Tựu trung thì cuốn từ điển này bao la vạn hữu bởi những nội dung mà nó chứa đựng, đồng thời cũng là cuốn sách tham khảo mang giá trị học thuật khá cao, gần như duy nhất tại hải ngoại.
***
Đó là một bộ từ điển gồm hai cuốn, dày 2000 trang, bìa cứng, cách trình bày sáng sủa, công phu, đẹp đẽ. Nhìn vào là thấy ngay tính chuyên nghiệp của soạn giả và của cơ sở in ấn, từ ngoài vào trong, từ đầu đến cuối. Chữ Việt, chữ Hán rõ ràng, sắc sảo, bố cục lại rất khoa học. Tác giả là bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, hiện đang cư ngụ tại Houston, bang Texas, Hoa Kỳ. Từ ngày ra đời (Ấn bản I năm 2000, ấn bản II tháng 4/2006) đến nay, đã có nhiều bậc thức giả như tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh (nhà văn Toàn Phong), giáo sư Đàm Trung Pháp, ông Nguyễn Gia Bảo, bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, giáo sư Tiển Sùng Kỳ… viết bài giới thiệu, đánh giá cao về học thuật cũng như về phẩm chất công việc của tác giả.

Từ điển nhân danh, địa danh & tác phẩm văn học nghệ thuật Trung Quốc (viết tắt là Từ điển) là một cuốn từ điển “lạ”, khác hẳn với những tự điển thông thường ta biết. Nó vừa là một cuốn từ điển về văn hóa, lịch sử, địa lý lại vừa là một cuốn từ điển về ngôn ngữ. Ta có thể tìm thấy hàng ngàn tài liệu liên hệ đến con người, đất nước và các sự kiện nổi bật trong lịch sử Trung Quốc từ cổ chí kim trong lúc về phương diện ngôn ngữ, đó là một cuốn từ điển Anh – Pin Yin – Hán – Việt mà đồng thời cũng là từ điển Việt – Pin Yin – Hán – Anh.

Nhưng trước khi đi xa hơn, ta hãy đọc một vài đoạn tiếng Anh như sau:
Historically, Zhuge Liang was also known as Zhuge Kong Ming (ZKM). He was nicknamed "The Hidden Dragon" due to the fact that people around him underestimated his capacity to achieve great things. Other translations of his nickname were "Crouching Dragon" and "Sleeping Dragon."
In modern China, Zhuge Liang is considered to be the most popular statesman and strategic general in Chinese history. Most people learned of the historical achievements of Zhuge Liang through the many stories and plays written about him.
Meng Hao Jan ranks among the most renowned poets who lived during the reign of emperor Hsuan –Tsung (712-756)…
According to Lu Xun, to restore order to a period of political upheaval, Cao Cao introduced very strict laws.
Đọc những đoạn trên, chắc chắn không ai khỏi ngỡ ngàng vì không biết người ta muốn nói đến nhân vật nào. Tra cứu trong cuốn Từ điển, ta tìm ra ngay: Zhuge Liang là Gia Cát Lượng, Zhuge Kong Ming là Gia Cát Khổng Minh, và từ đó ta sẽ biết "The Hidden Dragon" là “Phục Long” và "Crouching Dragon" là Ngọa Long, hai biệt danh khác của Khổng Minh. Meng Hao Jan là Mạnh Hạo Nhiên, Hsuan Tsung là Huyền Tông, Lu Xun là Lỗ Tấn, Cao Cao là Tào Tháo. À, ra thế!

Những cái tên như trên được viết bằng thể Pin Yin, ta cứ gặp dài dài trên sách báo Anh, Pháp, Mỹ mỗi khi đề cập đến Trung Quốc. Khi không cần, ta có thể làm lơ, bỏ qua. Nhưng khi cần, dù chỉ là một từ thôi, mà nếu không hiểu để chỉ ai hay nơi chốn nào, ta như bị chửng lại vì nguyên cả đoạn văn (đôi khi cả bài văn) đâm ra tối nghĩa. Phương chi nếu ta gặp cả một loạt tên như thế thì đành bỏ cuộc. Vài năm trước đây, tôi có đọc một cuốn bút ký có tựa đề là Ultimate Journey của Richard Bernstein kể lại chuyến du hành của ông ta lập lại toàn bộ lộ trình thỉnh kinh của thầy Huyền Trang đời Đường. Thấy cuốn sách khá lý thú, tôi có ý định viết một bài về nó. Trở ngại lớn nhất là sách có vô số những nhân danh địa danh Trung Quốc đã được “Tây hóa”, chẳng hạn như Fa Xien, Li Yuan, Zheng He, Ban Chao, Chang An, Xian, Lanzhou, Gan Su vân vân và vân vân. Đã thế lại có những cụm từ thuần Anh như “The Big Wild Goose Pagoda”. Trong số đó, tôi suy đoán được một vài chữ như “Chang An” là Tràng An hay “Xian” là Tây An sau nhiều tra cứu vòng vo, mất rất nhiều thì giờ. Còn những chữ kia thì đành chịu.

Với cuốn Từ điển này, tôi tìm ra ngay Fa Xien là nhà sư Pháp Hiển, Li Yuan là Lý Uyên, tục danh của người sáng lập ra triều đại nhà Đường, Lanzhou là Lan Châu, Gan Su là tỉnh Cam Túc, Zheng He là Trịnh Hòa, Ban Chao là Ban Siêu còn “The Big Wild Goose Pagoda” là Đại Nhạn Tháp. Không những ta biết được tên mà còn biết rõ lai lịch, nguồn gốc và nhiều chi tiết bổ ích khác. Đọc lại cuốn sách tôi tự tin hơn và sáng sự lẽ ra nhiều. Nhiều tên Tây, khi tìm ra chữ Hán liên hệ và âm Việt, tôi cảm thấy thích thú như tìm được một chữ đắc ý cho một câu thơ.

Ấy, những cái tên bằng âm Việt như trên nghe quen thuộc và gần gũi với hầu hết người Việt y như thể chúng ta đã biết chúng từ bao giờ. Dù trong thực tế, có thể là rất nhiều người hoàn toàn không biết những địa điểm trên là ở đâu, các nhân vật đó làm gì và liên quan đến những sự kiện lịch sử trọng đại nào.

Như ta biết, nhân danh và địa danh là những danh từ riêng chỉ dùng cho chính nó, khi cần chuyển ngữ thì ta có thể, hoặc là để nguyên như Albert Camus, Abraham Lincoln, Albert Einstein, Sigmund Freud hoặc là biến hẳn thành tiếng Việt như Ba Lê, Hoa Thịnh Đốn, Hương Cảng, Anh Cát Lợi, Bảo Gia Lợi, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Trước đây (và hiện nay vẫn còn rải rác đâu đó trên vài tờ báo trong nước) nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc chủ trương Việt hóa một trăm phần trăm các danh từ riêng nước ngoài, chẳng hạn như Nixon, Johnson, Chopin, New York, Shakespeare, Arthur Rimbaud hay Alfred de Musset thành Ních-xơn, Giôn-xơn, Sô-panh, Niu I-ooc, Sếch-xpia, Ác-tuya Rem-bô và An-phrê đơ Muy-sê. Dù sao, do tiếng Việt đã được La-tinh hóa, nên chuyển từ Nguyễn Huệ ra Nguyen Hue hay từ Arthur Rimbaud thành Ác-tuya Rem-Bô, ta cũng còn tìm thấy chút hao hao giữa hai từ.

Người Trung Quốc, do quá khác xa về mặt cấu trúc ngôn ngữ với Tây phương, phải chuyển các danh từ Anh hay Pháp ra tiếng Trung Hoa chẳng giống gì với chữ gốc, lắm lúc làm ta phải ngỡ ngàng. Chẳng hạn Karl Marx thành ra 馬克斯, tài tử Henry Fonda thành ra 方 逹. Mượn chữ để phát âm. 馬克斯 phát âm là ma ke si không khác gì lắm với chữ Karl Marx, 方 逹 phát âm là fang ta, không khác gì lắm với chữ Fonda. Chỉ khi người Việt chuyển âm từ chữ Hán ra tiếng Việt: ma ke si thành Mã Khắc Tư và fang ta thành Phương Đạt thì mới là khác nhau một trời một vực! Trước đây, tôi vẫn thường thắc mắc không hiểu từ đâu chúng ta lại có những từ như Hoa Thịnh Đốn, Ngưỡng Quang, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan, Thổ Nhĩ Kỳ vì trông ra chúng chẳng có liên hệ gì với những Washington, Rangoon, Canada, New Zealand, Turkey. Khi võ vẽ tự học chữ Hán và Pin Yin, tôi mới “ngộ” ra là con đường chuyển từ Tây sang Việt phải kinh qua Tàu. Đúng là “tam sao thất bổn”! Khổ nỗi, dùng lâu ngày quen đến độ, ta cảm thấy nói Ngưỡng Quang hay Gia Nã Đại đôi khi nghe thân tình và khoái hơn là nói Rangoon hay Canada.

Cũng thế, người Tây phương, khi gặp các nhân danh địa danh của Trung Hoa, họ La-tinh hóa dựa theo âm để biến thành những danh từ riêng hoàn toàn không giống gì với nguyên gốc. Đó là những cái tên mà chúng ta vừa nêu ra ở trên như Zhuge Liang, Meng Hao Jan, Hsuan Tsung, Lu Xun, Cao Cao hoặc có khi họ dịch ra nghĩa từng chữ như 大 雁 塔 (Đại Nhạn Tháp)thành ra “The Big Wild Goose Pagoda” (Chùa Con Ngỗng Trời Lớn). Cũng có khi họ dùng những cách chuyển đổi không theo hệ thống nào như The Great Wall of China để chỉ Vạn lý Trường thành, Port Arthur để chỉ cảng Lữ Thuận, Mencius để chỉ Mạnh Tử, Confucius để chỉ Khổng Tử.

Có nhiều cách La-tinh hóa nhưng hai hệ thống sau đây là phổ biến nhất hiện nay:
Hệ thống Wade-Giles: có khi gọi tắt là Wade, là một hệ thống la tinh hóa tiếng Hán vào giữa thế kỷ 19, lúc đầu do Sir Thomas Wade sáng chế và sau hoàn tất với cuốn từ điển Hán-Anh do Harbert Giles hợp soạn, xuất bản năm 1892. Đây là hệ thống chuyển ngữ chính cho những người nói tiếng Anh trong suốt thế kỷ 20, thay thế cho các hệ thống la tinh hóa dựa vào cách phát âm ở Nam Kinh được dùng trong thế kỷ 19. Hệ thống Wade-Giles hiện nay vẫn được chính thức sử dụng tại Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc) với một số cập nhật cần thiết.

Hệ thống Pin Yin: do nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Cộng) soạn từ năm 1953, được thông qua vào năm 1958 và chính thức sử dụng vào năm 1959. Đó là một hệ thống la tinh hóa tiếng Quan Thoại tiêu chuẩn, gọi chung là “Hán Ngữ Phanh Âm Phương Án” - 漢 語 拼 音方 案 - (Scheme of the Chinese Phonetic Alphabet), thay thế hoàn toàn các hệ thống cũ. Đến năm 1979, hệ thống này được tổ chức ISO (International Organization for Standardization) thừa nhận là hình thức la tinh hóa tiêu chuẩn cho tiếng Trung Quốc hiện đại. Chính quyền Singapore xem Pin Yin là quốc ngữ. Đồng thời, nó cũng được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ và nhiều định chế quốc tế khác thừa nhận. Nó trở thành một phương pháp rất tiện dụng cho người Trung Hoa học chữ Hán và cho các học giả và những ai muốn học tiếng Hán như là ngoại ngữ.
Sau đây là vài thí dụ cho thấy sự khác biệt giữa hai hệ thống:

Shuǐhǔ Zhuàn (Pin Yin); Shui Hu Chuan (Wade-Giles) = Thủy Hử Truyện

Jiāng Zémín (Pin Yin); Chiang Tse-min (Wade-Giles) = Giang Trạch Dân

Zhūgě Liàng (Pin Yin); Chu-ko Liang (Wade-Giles) = Gia Cát Lượng

Hệ thống Pin Yin có 4 dấu thanh đặt phía trên nguyên âm (như trong tiếng Việt) hoặc dùng các số 1,2,3,4 đặt kế sau mỗi âm để phân biệt các tiếng đồng âm. Tuy nhiên, cuốn Từ điển này theo soạn giả, “không phải là cuốn sách dạy phát âm tiếng quan thoại nên, giống như sách Tây phương La Mã hóa danh từ Trung Quốc, tôi không ghi những chú âm phù hiệu” [1] .

Hiện nay, do Đài Loan vẫn còn sử dụng hệ thống Wade-Giles và do tất cả các tài liệu cũ trong thế kỷ trước đều được viết dưới hệ thống đó, nên người ta dùng lẫn lộn cả hai hệ thống. Nhưng cần lưu ý rằng, trong lúc hệ thống Wade-Giles là do người Tây phương sáng chế để cho họ dùng, thì hệ thống Pin Yin do chính người Trung Hoa sáng chế ra nhằm mục đích quốc tế hóa ngôn ngữ của họ, nên cách phát âm của nó chuẩn hơn. Nhờ thế, người Trung Hoa học dễ dàng mà người nước khác học tiếng Trung Hoa cũng dễ dàng. Tiện hơn nữa là người ta có thể học nói tiếng Trung Hoa bằng cách sử dụng Pin Yin mà không cần phải qua chữ Hán, đã khó viết lại không cho ta một mối liên hệ nào giữa chữ và âm.

Trong thời gian gần đây, thể Pin Yin được cài đặt sẵn trong phần mềm Microsoft Word cũng như trong máy vi tính để ai cũng có thể sử dụng chữ Hán một cách dễ dàng, đọc cũng như “viết” (hoặc paste). Các từ điển tiếng Hán đủ loại, có thể download miễn phí từ trên mạng Internet, giúp ta tra cứu từ Anh sang Hán, từ Hán sang Anh, chuyển từ chữ Hán phồn thể (traditional ) sang giản thể (simplified) và ngược lại. Ta cũng có thể tìm ra cách phát âm Pin Yin dễ dàng cho bất kỳ chữ Hán nào. Và ngược lại, nếu biết chữ và biết 4 dấu thanh Pin Yin, ta có thể “viết” chữ Hán bằng cách chỉ cần gõ chữ Pin Yin vào máy là ta có ngay chữ Hán tương ứng trên màn hình một cách ngon lành y như là một tay “Hán rộng” vậy. Có website còn giúp ta tra chữ Hán bằng nét (strokes) hay bộ (radicals). Ngoài ra, một số các websites bằng Anh ngữ còn cho kèm theo chữ Hán mỗi khi đề cập đến những nhân danh, địa danh hay những từ ngữ có tính chất đặc thù Trung Hoa. Đặc biệt, website Wikipedia, The Free Encyclopedia bằng Anh ngữ có rất nhiều tài liệu về lịch sử, văn học, chính trị Trung Hoa thường kèm theo chữ Hán, cùng những phiên âm Wade-Giles và Pin Yin.

Chính vì hai hệ thống phiên âm ấy và những phiền hà do chúng đem lại cho người Việt chúng ta khi đọc sách báo Anh Mỹ mà có cuốn từ điển độc đáo này của BS Hoàng Xuân Chính [2] . Dù cách sắp xếp chính dựa vào thể Pin Yin, nhưng ta vẫn có thể tìm một địa danh hay nhân danh bằng tiếng Việt ở bản đối chiếu Việt – Pin Yin, xếp theo mẫu tự La-tinh ở cuối sách.

Như cái tựa đề khá dài dòng, cuốn sách chứa đựng hàng ngàn danh từ riêng Trung Quốc liên hệ đến nhiều lãnh vực khác nhau:
Nhân danh: gồm rất nhiều khuôn mặt vua, quan, tướng, văn gia, thi gia hay những người mà cuộc đời hay các hành vi của họ mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Từ các nhân vật đầy quyền uy, rất nổi tiếng như Lưu Bang, Hạng Vũ, Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Quản Trọng, Khổng Minh cho đến những “thường nhân” như Hầu Doanh, Giới Tử Thôi, Hạ Cơ, Đồ Ngạn Giả, Trí Bá… và các nhân vật lịch sử hay văn học hiện đại như Giang Thanh, Cao Hành Kiện, Trần Thủy Biển, Hồ Cẩm Đào…

Địa danh: từ những địa danh lớn và nổi tiếng như Cam Túc, Quảng Đông, Quảng Tây, Tràng An, cho đến những khu vực nhỏ ít ai nhớ đến như Đôn Hoàng, Liêu Ninh, Hưng Nghĩa…

Các địa điểm đặc biệt như Nhạc Lộc Thư viện, Di Hòa Viên…

Các biến cố hay sự kiện đặc biệt như Tân Sửu điều ước (9/1901), Tứ nhất nhị phản cách mạng, Tứ Ngũ vận động, Tùy mạt nông dân chiến tranh…

Các tác phẩm hay toàn tập, tuyển tập sách:Văn Sơn tiên sinh toàn tập, Liệt Triều thi tập tiểu truyện, Khương Trai thi thoại…

Các chức quan: Tư khấu, Tư đồ, Tiết độ sứ…

Các cụm từ đặc biệt: chỉ lão hổ (Zhi Lao Hu = con hổ giấy), khuynh thành khuynh quốc…
Với mỗi nhân, địa danh như thế, tác giả lần lượt ghi theo phiên âm Pin-Yin (dòng 1), rồi phiên âm Wade-Giles (dòng 2) kèm theo phần chữ Hán (phồn thể) phía bên phải. Và cuối cùng là phần chính bằng tiếng Việt kèm theo giải thích. Phần giải thích là tóm lược tiểu sử (nhân danh), các đặc tính địa lý và sự kiện diễn ra (địa danh) vân vân.