Tư Duy Đa Chiều

Tác giả : Edward De Bono
  • Lượt đọc : 973
  • Kích thước : 0.69 MB
  • Số trang : 250
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 1.171
  • Số lượt xem : 5.120
  • Đọc trên điện thoại :
Bạn có thể sử dụng cuốn sách này cả ở nhà và ở trường học. Tại trường, quá trình giảng dạy thường tập trung vào tư duy chiều dọc (vertical thinking) truyền thống. Loại tư duy này hiệu quả nhưng không hoàn chỉnh. Nó cần được bổ sung những phẩm chất giúp sản sinh giải pháp của tư duy sáng tạo. Quá trình này đã được thực hiện ở một vài trường, sự sáng tạo bắt đầu xuất hiện nhưng vẫn hết sức mơ hồ. Không có một quy trình kỹ lưỡng và thực tiễn nào để tạo ra tư duy sáng tạo. Cuốn sách này sẽ thảo luận về tư duy đa chiều, quá trình sử dụng nó để tạo ra sự sáng tạo và tái cấu trúc cách nhìn nhận sự vật. Tư duy đa chiều là kỹ năng có thể học, thực hành và sử dụng, tương tự như kỹ năng toán học vậy.

Cuốn sách này có thể hữu dụng với các giáo viên – những người đang tìm kiếm các phương pháp thực tế để giảng dạy kiểu tư duy đang ngày càng trở nên quan trọng này. Cuốn sách sẽ chỉ ra những cơ hội chính thống để thực hành tư duy đa chiều, đồng thời giải thích cách thức vận hành của các quá trình liên quan. Giáo viên có thể sử dụng cuốn sách này để rèn luyện bản thân hoặc tốt hơn là sử dụng làm nền tảng cho những bài tập trên lớp của mình.

Vì việc giới thiệu rộng rãi tư duy đa chiều trong trường học không thể diễn ra trong tương lai gần, nên các bậc phụ huynh không nên quá mong chờ vào điều đó. Phụ huynh có thể lựa chọn bổ sung những chỉ dẫn về tư duy đa chiều cho trẻ tại nhà, bên cạnh các bài học trên lớp.

Cần nhấn mạnh rằng hai lối tư duy này không đối lập nhau. Cả hai đều cần thiết. Tư duy chiều dọc cực kỳ hữu ích, tuy nhiên cũng cần bổ sung sự sáng tạo và hạn chế tính cứng nhắc của nó. Dù sớm hay muộn thì việc học tư duy đa chiều cũng sẽ diễn ra ở trường, nhưng cho đến lúc đó, việc học tại nhà là rất cần thiết.






Bạn không nên đọc qua cuốn sách này một mạch mà nên đọc chậm rãi trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Vì lý do này, nhiều nguyên tắc được lặp lại xuyên suốt cuốn sách để củng cố chủ đề chính. Khi sử dụng cuốn sách này, bạn cần nhớ rằng việc thực hành còn quan trọng hơn rất nhiều so với việc chỉ hiểu bản chất của quá trình tư duy đa chiều.
***
Tư duy đa chiều có liên quan chặt chẽ tới cách nhìn nhận, sự sáng tạo và tính hài hước. Bốn quá trình này đều có cùng một nền tảng. Nhưng trong khi chúng ta không thể thay đổi nhiều cách nhìn nhận, sự sáng tạo và tính hài hước thì tư duy đa chiều là một quá trình chủ động. Luôn tồn tại một cách thức sử dụng tâm trí để tư duy logic – nhưng đó là một cách khác với cách chúng ta thường làm.

Văn hóa có liên quan tới những ý tưởng đang dần ổn định. Giáo dục liên quan đến việc truyền đạt các ý tưởng đó. Cả hai đều liên quan đến việc cải thiện các ý tưởng bằng cách cập nhật chúng. Cách duy nhất để thay đổi các quan niệm là thông qua mâu thuẫn và mâu thuẫn vận hành theo hai cách. Cách thứ nhất, có một cuộc đụng độ trực diện giữa những ý tưởng đối lập. Trong hai ý tưởng, sẽ có một ý tưởng thực tế hơn ý tưởng còn lại và phải thay đổi. Cách thứ hai, tồn tại sự mâu thuẫn giữa thông tin mới và ý tưởng cũ, kết quả là ý tưởng cũ sẽ bị thay đổi. Đây là cách làm của khoa học, lĩnh vực luôn tìm cách tạo ra những thông tin mới để phá vỡ những ý tưởng cũ và kiến tạo những ý tưởng mới. Tuy nhiên, cách làm thứ hai không chỉ là phương pháp khoa học mà còn là cách mà con người thu nhận kiến thức.

Giáo dục dựa trên giả định an toàn rằng người học chỉ phải thu thập ngày càng nhiều thông tin, những thông tin này sẽ tự sắp xếp thành những ý tưởng hữu ích. Chúng ta đã phát triển các công cụ xử lý thông tin, ví dụ toán học để mở rộng thông tin, tư duy logic để tinh lọc thông tin.

Phương pháp thay đổi ý tưởng bằng mâu thuẫn phát huy hiệu quả khi thông tin có thể được đánh giá khách quan. Nhưng phương pháp này vô hiệu khi thông tin mới chỉ được đánh giá dựa trên các ý tưởng cũ. Thay vì bị thay đổi, ý tưởng cũ sẽ được củng cố và trở nên cứng nhắc hơn bao giờ hết.

Cách hiệu quả nhất để thay đổi ý tưởng cũ không đến từ bên ngoài – thông qua mâu thuẫn, mà đến từ bên trong – thông qua việc tái sắp xếp cách nhìn nhận những thông tin sẵn có. Cách nhìn là mấu chốt duy nhất để thay đổi các ý tưởng trong một tình huống tưởng tượng – khi thông tin không thể được đánh giá khách quan. Thậm chí khi thông tin có thể được đánh giá khách quan, hành động tái sắp xếp cách nhìn nhận thông tin cũng tạo nên một cú nhảy vọt. Điều giáo dục quan tâm không chỉ là việc thu thập thông tin mà còn là cách tốt nhất để sử dụng những thông tin đã thu thập.

Khi các ý tưởng làm chủ thông tin thay vì phụ thuộc vào chúng, sự tiến bộ diễn ra rất nhanh chóng. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa phát triển các công cụ hữu ích để xử lý vấn đề cách nhìn nhận. Chúng ta chỉ thu thập thông tin và hy vọng đến một bước nào đó cách nhìn sẽ thay đổi. Tư duy đa chiều chính là một công cụ giúp thay đổi cách nhìn nhận.

Cách nhìn nhận, sự sáng tạo và tính hài hước rất khó nắm bắt vì tâm trí làm việc cực kỳ hiệu quả. Tâm trí vận hành để tạo ra những mô hình từ môi trường bên ngoài. Một khi các mô hình đã hình thành, chúng ta có thể nhận ra chúng, phản ứng trước chúng và sử dụng chúng. Khi các mô hình được sử dụng, chúng trở nên vững chắc hơn bao giờ hết.

Hệ thống hóa các mô hình là một cách rất hiệu quả để xử lý thông tin. Sau khi được thiết lập, các mô hình này sẽ hình thành một hệ thống mã hóa. Lợi ích của hệ thống mã hóa là thay vì phải thu thập tất cả thông tin, một người chỉ cần thu thập đủ thông tin để nhận diện mô hình mã hóa, điều này tương tự như tìm một cuốn sách thuộc một chủ đề nhất định trong thư viện bằng mã số sách.

Tâm trí được ví như một chiếc máy tính chuyên xử lý thông tin. Tuy nhiên, nó không phải là một chiếc máy tính thông thường mà là một môi trường đặc biệt cho phép thông tin tự sắp xếp vào các mô hình. Hệ thống ký ức tự sắp xếp, tự tối đa hóa này rất giỏi trong việc tạo ra các mô hình – đó chính là sự hiệu quả của tâm trí.

Nhưng bên cạnh sự hữu ích tuyệt vời đó, hệ thống mô hình hóa vẫn có những hạn chế nhất định. Khi được hệ thống hóa, các mô hình dễ dàng kết hợp hay bổ sung cho nhau nhưng rất khó để tái cấu trúc vì chúng điều khiển sự chú ý. Cách nhìn nhận và tính hài hước đều cần quá trình tái cấu trúc mô hình. Sự sáng tạo cũng liên quan đến quá trình tái cấu trúc nhưng đặt trọng tâm lớn vào việc thoát ra khỏi những mô hình giới hạn. Tư duy đa chiều tập trung vào việc tái cấu trúc, thoát ly khỏi mô hình cũ và gợi mở các mô hình mới.

Tư duy đa chiều có mối liên hệ chặt chẽ với sự sáng tạo. Trong khi sáng tạo nhấn mạnh vào kết quả thì tư duy đa chiều lại mô tả một quá trình. Chúng ta thường cảm thấy sự bí ẩn khi nói về tài năng và sự vô hình khi nói về sáng tạo, thường là khi nhắc đến sự sáng tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật như cảm thụ thẩm mỹ, đồng cảm và năng khiếu biểu đạt. Nhưng sự sáng tạo bên ngoài lĩnh vực này không phải như vậy. Sáng tạo ngày càng được xem là một thành tố quan trọng cho sự thay đổi và phát triển. Nó dần được đánh giá cao hơn cả kiến thức và kỹ thuật vì cả hai yếu tố này ngày càng dễ đạt được. Để có thể sử dụng sự sáng tạo, chúng ta phải loại bỏ suy nghĩ thần bí về nó và coi nó như một cách thức sử dụng tâm trí – một cách xử lý thông tin. Tư duy đa chiều sẽ thảo luận về chủ đề này.

Tư duy đa chiều liên quan đến việc phát triển những ý tưởng mới. Thật kỳ cục khi nghĩ rằng các ý tưởng mới liên quan đến các sáng chế kỹ thuật. Sáng chế kỹ thuật chỉ là một phần nhỏ. Ý tưởng mới là các thay đổi hay tiến bộ từ khoa học tới nghệ thuật, từ chính trị đến hạnh phúc con người.

Tư duy đa chiều cũng liên quan đến việc phá vỡ nhà tù của các ý tưởng cũ kỹ. Nó tạo ra sự thay đổi trong thái độ và cách tiếp cận, từ đó dẫn đến việc nhìn những sự vật quen thuộc theo một cách khác. Giải phóng khỏi các ý tưởng cũ và kích thích các ý tưởng mới là hai mặt song song của tư duy đa chiều.

Tư duy đa chiều rất khác tư duy chiều dọc – kiểu tư duy truyền thống. Trong tư duy chiều dọc, chúng ta di chuyển từng bước và mỗi bước đều phải có cơ sở lý giải. Khác biệt giữa hai cách tư duy này rất rõ ràng. Ví dụ, trong tư duy đa chiều, chúng ta không chỉ đơn thuần sử dụng thông tin mà còn thu nhận những hiệu ứng từ việc sử dụng chúng. Trong tư duy đa chiều, chúng ta có thể phải sai ở một vài giai đoạn để đạt được một kết quả đúng; trong tư duy chiều dọc (logic hay toán học) điều này là bất khả thi. Trong tư duy đa chiều, chúng ta có thể chủ động tìm kiếm những thông tin không liên quan; còn trong tư duy chiều dọc, chúng ta chỉ tìm kiếm những gì có liên quan.

Tư duy đa chiều không thay thế cho tư duy chiều dọc. Cả hai đều cần thiết và bổ sung cho nhau. Tư duy đa chiều giúp nảy sinh ý tưởng, tư duy chiều dọc mang tính chọn lọc.

Với tư duy chiều dọc, chúng ta đi đến kết luận thông qua một chuỗi những bước đi có cơ sở. Vì tính hợp lý của những bước đó, chúng ta rất chắc chắn về tính chính xác của kết luận. Nhưng dù quy trình đó có chính xác đến đâu thì xuất phát điểm vẫn là lựa chọn cảm tính các khái niệm căn bản – hành động lựa chọn này thường có khuynh hướng phân chia rõ rệt và phân cực cao độ. Sau đó, tư duy chiều dọc sẽ làm việc dựa trên những khái niệm được tạo ra từ đây. Tư duy đa chiều cần thiết để xử lý các lựa chọn cảm tính nằm ngoài tầm với của tư duy chiều dọc. Tư duy đa chiều cũng kiềm chế sự kiêu ngạo của các kết luận cứng nhắc, dù nó được hình thành một cách vững chắc thế nào chăng nữa.

Tư duy đa chiều nâng cao hiệu quả của tư duy chiều dọc. Tư duy chiều dọc phát triển những ý tưởng được tạo ra bởi tư duy đa chiều. Bạn không thể khoan nhiều lỗ ở nhiều vị trí khác nhau bằng cách khoan sâu hơn một cái lỗ. Tư duy chiều dọc được sử dụng để khoan một cái lỗ sâu hơn. Tư duy đa chiều được sử dụng để khoan một cái lỗ ở vị trí khác.

Thói quen chỉ đặt trọng tâm vào tư duy chiều dọc khiến cho việc giảng dạy tư duy đa chiều càng trở nên cần thiết. Chỉ sử dụng tư duy chiều dọc không những là chưa đầy đủ mà còn là mối nguy hiểm.

Cũng như tư duy logic, tư duy đa chiều là một cách thức sử dụng tâm trí. Nó là thói quen và thái độ của tâm trí. Có những kỹ thuật cụ thể có thể được sử dụng riêng cho từng loại tư duy. Cuốn sách này đặt trọng tâm nhất định vào một vài kỹ thuật không phải vì chúng là một phần quan trọng của tư duy đa chiều mà vì chúng có tính thực tế. Thiện chí và lý thuyết không đủ để phát triển kỹ năng tư duy đa chiều. Chúng ta cần một môi trường thực tế và cần những kỹ thuật hữu hình để thực hành. Từ việc hiểu và sử dụng thành thạo các kỹ thuật, tư duy đa chiều sẽ phát triển thành một thái độ của tâm trí. Chúng ta nên luyện tập cách sử dụng các kỹ thuật này.

Tư duy đa chiều không phải là hệ thống ma thuật mới. Không thiếu ví dụ về những người sử dụng tư duy đa chiều để đạt được thành quả. Có những người có khuynh hướng tư duy đa chiều một cách tự nhiên. Mục đích của cuốn sách này là cho bạn thấy rằng tư duy đa chiều là một phần rất căn bản của tư duy và ai cũng có thể phát triển kỹ năng này. Thay vì chỉ hy vọng có được cách nhìn nhận mới và sự sáng tạo, chúng ta có thể sử dụng tư duy đa chiều một cách chủ động và thực tế.

TÓM TẮT

Mục đích của tư duy là thu thập thông tin và sử dụng chúng tốt nhất có thể. Do đặc thù cơ chế vận hành của tâm trí trong việc tạo ra những mô hình khái niệm cố định, chúng ta không thể sử dụng những thông tin mới tốt nhất trừ khi sở hữu các phương tiện tái lập và cập nhật những mô hình cũ. Lối tư duy truyền thống dạy chúng ta cách tinh lọc các mô hình và xác lập giá trị của chúng. Nhưng chúng ta sẽ không thể tận dụng tối đa thông tin sẵn có nếu không biết cách tạo ra các mô hình mới và thoát khỏi sự kìm kẹp của những mô hình cũ. Tư duy chiều dọc liên quan đến việc cung cấp hay phát triển các mô hình khái niệm. Tư duy đa chiều thì liên quan đến việc tái cấu trúc những mô hình như vậy (cách nhìn nhận) và kích thích tạo ra những mô hình mới (sáng tạo). Tư duy đa chiều và tư duy chiều dọc bổ sung cho nhau. Cả hai kỹ năng tư duy này đều cần thiết nhưng hiện nay, giáo dục chỉ nhấn mạnh vào tư duy chiều dọc.

Sự cần thiết của tư duy đa chiều được phát triển từ những giới hạn trong cách vận hành của tâm trí với vai trò của một hệ thống ký ức tự tối đa hóa.