Tư Duy Pháp Lý Của Luật Sư

Tác giả : Nguyễn Ngọc Bích
  • Lượt đọc : 1.113
  • Kích thước : 2.29 MB
  • Số trang : 448
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 961
  • Số lượt xem : 4.077
  • Đọc trên điện thoại :
  • Đọc Tư Duy Pháp Lý Của Luật Sư trên điện thoại
Quyển sách này là phiên bản mới của quyển Tài ba của luật sư xuất bản năm 2010 và tái bản hai lần sau đó. Đó là kết quả của những góp ý từ độc giả, của kinh nghiệm tác giả thu thập được qua các lớp học được tổ chức tại Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng như sự tìm tòi và học hỏi của bản thân trong suốt 5 năm qua. Cũng như sách trước, quyển sách này được viết cho các luật sư mới bước chân vào nghề.
Tựa quyển sách nêu bật một điều kiện tri thức của luật sư, điều mà họ phải có khi hành nghề. Đó là công cụ của họ, giống như người nông dân phải có cuốc. Tư duy pháp lý của luật sư bắt nguồn từ khả năng phân tích của họ và kết quả của nó là các lập luận trình bày cho người khác. Luật sư phải giỏi phân tích vì trong nghề nghiệp của mình, họ phải đương đầu với các sự kiện hay các thực tại nhất định của cuộc sống. Khách hàng không đem một văn bản luật đến cho luật sư mà là một vụ tranh chấp, một vấn đề pháp lý cần có câu trả lời. Đáp ứng cho khách hàng, luật sư phải phân tích vụ việc và đề ra giải pháp phù hợp luật lệ. Vậy trước hết, luật sư biết cách tư duy pháp lý là để phục vụ mình!
Trong một vụ tranh chấp được xét xử ở tòa thì luôn luôn có hai bên. Luật sư của nguyên đơn nộp lý lẽ lên tòa để khởi kiện thay cho thân chủ. Họ khởi đầu một vụ kiện. Ở đó chống đỡ cho thân chủ – bị đơn – là một luật sư khác. Họ giúp kết thúc vụ án. Biết tư duy pháp lý, cả hai nghiên cứu vụ việc một cách “toàn diện, đầy đủ và khách quan”. Do vậy họ sẽ đóng góp nhiều lý lẽ để tòa án xem xét trong quá trình tố tụng. Chính luật sư của nguyên đơn sẽ làm cho công việc ban đầu của thẩm phán thành dễ dàng hay rắc rối. Như thế, tư duy pháp lý của luật sư đóng góp đáng kể cho tòa án.
Trong một vụ tư vấn, luật sư chỉ có đối tác, hiển hiện đâu đó. Tư duy pháp lý giúp họ phân tích vụ việc để thấy trọng tâm, bản chất của nó, hầu đề nghị cách thực hiện đúng và nhanh. Được như vậy là vì sự phân tích trong tư duy pháp lý đòi hỏi luật sư phải có kiến thức.

Tư duy pháp lý trình bày ở đây là một phương pháp, một “cái cuốc”. Nó sẽ giúp các luật sư mới vào nghề, khi chịu học và được chỉ bảo thêm, thì không bao lâu có thể một mình đảm nhận công việc. Ở đây, tác giả cố gắng trình bày phương pháp một cách rõ ràng và tỉ mỉ. Điều đó làm cho quyển sách này khác với các quyển trước có cùng nội dung. Và để cho quyển sách không dày quá, chỉ có một số vụ án mới được thêm vào.
So với quyển sách đầu tiên xuất bản năm 2003, đến quyển năm 2015 này, thời gian đã đủ dài để độc giả quen thuộc với phương pháp trong sách, vốn được du nhập từ nước ngoài và đã được “địa phương hóa”. Tất nhiên cố gắng đó đã không thể là một thành quả nếu không có Nhà xuất bản Trẻ làm ... “bà đỡ” trong thời gian đã nêu cũng như sự giúp đỡ của các bạn bè thân thiết. Dẫu sao, quyển sách này vẫn còn những khiếm khuyết. Lời nói đầu xin được ngưng ở đây với câu: Xin quý độc giả tha thứ và chỉ giáo về những khiếm khuyết, vốn không thể tránh được do sự bất toàn của con người.