Tuyển Tập Lão Xá

Thể loại: Truyện Ngắn ;Truyện
Tác giả : Lão Xá
  • Lượt đọc : 645
  • Kích thước : 2.16 MB
  • Số trang : 600
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 99
  • Số lượt xem : 2.229
  • Đọc trên điện thoại :
Lão Xá, tên thật là Thư Khánh Xuân, tự Xá Dư, sinh năm 1897. Ông được mọi người biết với bút danh Lão Xá từ khi cuốn Tường "lạc đà" ra đời.

Trong văn học hiện thực phê phán của Trung Quốc, cuốn Tường "lạc đà" được đặt ngang hàng với Ông giáo Chi của Diệp Thánh Đào, Gia đình của Ba Kim, Lôi Vũ của Tào Ngu, những nhà văn cùng một thế hệ.

Để bạn đọc thưởng thức và đánh giá đúng mức cuốn tiểu thuyết này, chúng tôi xin lưu ý một số điểm về thân thế và tư tưởng của tác giả.

Lão Xá là người Bắc Kinh, và là con nhà nghèo. Trong bài Tựa viết lấy in ở đầu Lão Xá tuyển tập xuất bản năm 1951, ông có nói, ông "xuất thân nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc đã quen từ nhỏ". Ông lại còn nói, ông "có bạn bè trong những người nghèo khổ, thường giúp đỡ lẫn nhau, đi lại với nhau rất thân thiết", cho nên ông "không những biết được đời sống của họ mà còn hiểu rõ nỗi lòng của họ nữa". Mặc dù đó là tình cảnh trước thời Ngũ tứ (1919), nhưng tình cảnh ấy ảnh hưởng rất nhiều đến sáng tác của ông sau này. Nhân vật chính trong tiểu thuyết hay kịch của ông phần lớn là dân các xóm nghèo Bắc Kinh. Đối với họ, ông có một mối đồng tình sâu sắc và chân thành.

Nhưng ông là một nhà trí thức. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bắc Kinh, năm 1924, ông sang Anh dạy ngôn ngữ Trung Quốc ở Học viện Đông phương Luân Đôn cho đến năm 1930 mới về nước, nên không có dịp tham gia phong trào năm 1925 và cuộc nội chiến cách mạng lần thứ nhất năm 1927. Về nước, ông dạy ở trường Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Đảo, làm giám đốc ban văn nghệ trường Đại học Tề Lỗ ở Sơn Đông, rất ít có dịp tiếp xúc với cách mạng, và cũng chưa hề biết đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đó có hạn chế nội dung tư tưởng trong tác phẩm của ông thời bấy giờ. Đúng như ông nói: "Tôi chỉ dựa vào một ít vốn sống và những nỗi uất ức tích lũy trong lòng từ thuở bé để phản kháng những kẻ áp bức và những nước đi áp bức".

Trong thời kháng chiến chống Nhật, ông lại là người hoạt động tích cực. Tháng 6 năm 1937, sau khi xảy ra vụ Lư Cầu Kiều, ông rời Bắc Kinh đi Hán Khẩu. Ngày 27 tháng 3 năm 1938, Hội liên hiệp văn nghệ chống địch toàn quốc thành lập, ông được cử làm hội trưởng, và tiếp tục sáng tác phục vụ kháng chiến. Ông bắt đầu viết kịch vào hồi này với vở Tổ quốc trên hết.

Sau giải phóng, ông nhiệt tình tham gia các phong trào chính trị, phụ trách nhiều công tác xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh, ông sáng tác nhiều hơn bao giờ hết. "Nhân dân cần cái gì, tôi viết cái đó. Hình thức văn nghệ nào tôi cũng xem như nhau, không phân biệt hình thức nào đáng sáng tác, hình thức nào không đáng sáng tác” 1 . Tác phẩm của ông thuộc đủ loại: thơ, kịch nói, kinh kịch, tương thanh, cổ từ 2 đều có tác dụng giáo dục rất lớn. Vở kịch Cống Long Tu của ông được đánh giá rất cao. Chính quyền nhân dân thành phố Bắc Kinh đã tặng ông danh hiệu "Nhà nghệ sĩ nhân dân".

Tường "lạc đà" là tác phẩm thuộc giai đoạn trước kháng chiến, viết năm 1935.

Đây là chuyện một anh kéo xe ở thành phố Bắc Kinh, nhưng thật ra cũng là chuyện người dân thành thị ở Trung Quốc khi chưa giải phóng, còn chịu hai tầng áp bức phong kiến và tư sản mại bản.