Văn Phạm Việt Nam Giản Dị Và Thực Dụng

Tác giả : Bùi Đức Tịnh
  • Lượt đọc : 416
  • Kích thước : 1.58 MB
  • Số trang : 374
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 334
  • Số lượt xem : 2.117
  • Đọc trên điện thoại :
Năm 1956, với quyển Văn phạm Việt Nam cho các lớp Trung học 1, sự cố gắng của chúng tôi đã nhắm vào hai mục tiêu :

Thứ nhứt là uyển chuyển trong sự hợp lý hóa cách mệnh danh các từ loại và các nhiệm vụ văn phạm để có thể tôn trọng những thói quen sẵn có.

Thứ nhì là làm cho các điều trình bày trong sách không có tính cách những bài học của riêng một lớp nào.

Nay, trong quyển Văn phạm Việt Nam giản dị và thực dụng, mục tiêu thứ nhứt không thay đổi ; để tránh làm xáo trộn những thói quen, về một số từ loại (như đại danh từ, trạng từ, phụ thuộc liên từ chẳng hạn). chúng tôi đã theo cách mệnh danh của quyển Việt Nam Văn phạm 2 thay vì giữ đúng cách mệnh danh mà chúng tôi đề nghị – vì cho rằng hợp lý hơn – trong quyển Văn phạm Việt Nam 3 do chúng tôi biên soạn.

Nhưng, về mục tiêu thứ nhì – cung cấp tài liệu tham khảo cho giáo chức cũng như học sinh ở bất cứ trình độ nào – chính vì muốn nới rộng mục tiêu ấy mà chúng tôi đã sửa chữa và bổ túc quyển Văn phạm Việt Nam cho các lớp Trung học để có quyển Văn phạm Việt Nam giản dị và thực dụng này.

Thực tế, ở bậc Trung học, môn Văn phạm chỉ được học thành bài riêng, trong chương trình Quốc văn của các lớp Sáu và Bảy. Một quyển Văn phạm, nếu chỉ có phần lý thuyết, sẽ không giúp ích được cho học sinh ở các lớp không còn phải học bài Văn phạm nữa. Mà, chính ở những lớp từ Tám trở lên, học sinh lại có dịp học thêm nhiều từ ngữ mới và tập viết loại văn nghị luận. Học sinh thường viết sai Văn phạm vì không biết cách sử dụng những tiếng mà các em chỉ hiểu nghĩa lờ mờ dựa vào các câu văn đã học. Học sinh cũng thường vấp váp về Văn phạm, trong những câu nhiều ý của các bài nghị luận, vì không nắm vững thể thức trình bày sự tương quan giữa các ý trong câu.

Chúng tôi đã lưu tâm đến sự kiện vừa kể, khi soạn phần Ứng dụng với những tỷ dụ về các lỗi Văn phạm thường thấy, xếp thành từng loại. Sau mỗi câu sai được đơn cử, đều có phần giải thích về lỗi lầm và phần đề nghị sửa chữa.

Phần văn phạm lý thuyết đã được giản dị hóa đến mức độ có thể cung cấp tài liệu soạn bài học cho các lớp Sáu, Bảy cũng như các lớp tiểu học. Với phần Ứng dụng, chúng tôi hy vọng quyển Văn phạm này sẽ đạt được tính cách thực dụng khi trình bày những kinh nghiệm mà chúng tôi đã thu nhặt được trong các việc soạn bài Giảng văn và sửa bài Nghị luận cho học sinh.

Môn văn phạm trong chương trình học Quốc văn của ta vẫn còn mới quá. Đối với rất nhiều học sinh Trung học đệ nhị cấp, chẳng những các bài học Văn phạm của « thời » lớp Sáu lớp Bảy chỉ là những kỷ niệm quá lu mờ mà đến cả ý thức văn phạm trong lúc viết văn cũng không còn « vang bóng ».

Diệt trừ bệnh cẩu thả trong lúc viết văn là một việc khá quan trọng của học đường. Để góp phần vào việc ấy, trong địa hạt văn phạm, chúng tôi thành tâm mong đợi những lời phê bình, chỉ giáo của các bậc cao minh cũng như của các bạn thiết tha với việc vun bồi tiếng nước ta.

Sài thành, 16 tháng chạp, 1966

Thanh Ba Bùi đức Tịnh