Vụ Án Viên Nhộng Xanh

Tác giả : John Dickson Carr
  • Lượt đọc : 447
  • Kích thước : 0.81 MB
  • Số trang : 148
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 126
  • Số lượt xem : 1.209
  • Đọc trên điện thoại :
Vụ án viên nhộng xanh là một trong các tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng nhất của John Dickson Carr. Trong tác phẩm, Marcus Chesney – chủ sở hữu những nhà kính trồng đào tại Sodbury Cross – đã bị đầu độc chết trong một màn trình diễn do chính mình sắp đặt. Khi ấy, Marcus đang dùng một loạt bẫy tâm lí để chứng minh lập luận: nhân chứng không thể kể lại chính xác những điều đã xảy ra ngay trước mắt mình. Và tệ thay, ông đã đúng. Tất cả các nhân chứng đều mục kích vụ sát nhân nhưng dường như họ đều đang đeo một cặp kính đen, mọi thứ đều bị che phủ và lừa mị. Thấy vậy nhưng không hẳn là vậy, nghe thế nhưng chưa chắc là thế. Nhân chứng bị bưng tai bịt mắt bằng các bẫy gài liên hoàn dù cho họ vẫn mở mắt lắng tai. Qua Vụ án viên nhộng xanh, John Dickson Carr không chỉ dẫn dắt người đọc vào ma trận của những lời khai không trùng khớp mà còn nêu bật được một lập luận mới mẻ về giá trị của các nhân chứng trong làng văn trinh thám.
***
Câu chuyện bắt đầu, theo trí nhớ của người đàn ông, trong một căn nhà ở thành phố cổ Pompeii. Anh ta không bao giờ quên được buổi chiều yên tĩnh, nóng bức đó, khi những giọng nói tiếng Anh phá vỡ sự tĩnh mịch của “Con Đường Hầm Mộ”. Vạt trúc đào nở hoa đỏ rực trong khu vườn đổ nát, và cô gái mặc váy trắng đứng im lìm giữa nhóm người đeo kính râm, trông như thể bị bao quanh bởi những chiếc mặt nạ.
Người đàn ông nhìn thấy quang cảnh trên đã đến Napoli công tác được một tuần. Công việc anh ta cần làm ở Napoli không hề liên quan đến chuyện này. Nhưng công việc đó chiếm hầu hết thời gian của anh, và mãi đến buổi chiều thứ hai, ngày 19 tháng Chín, anh mới thư thả được đôi chút. Tối ấy người đàn ông này dự định sẽ đến Rome, và rồi bay qua Paris và về đến London. Chiều hôm đó anh đang ngắm cảnh trong tâm trạng thảnh thơi, và đối với anh quá khứ luôn có sức hút mãnh liệt không hề thua kém hiện tại. Đó là nguyên nhân tại sao, vào lúc yên tĩnh nhất trong ngày, dưới sự êm ả của ánh mặt trời rực rỡ, anh lại nhận ra mình đang đi trên Con Đường Hầm Mộ.
Con Đường Hầm Mộ nằm bên ngoài những bức tường của thành Pompeii. Nó bắt đầu từ cổng Herculaneum và thoải xuống một ngọn đồi thấp, trông giống một cái máng xối lát gạch rộng với vỉa hè ở hai bên. Những cây bách mọc khắp chỗ và khiến con đường chết chóc này dường như có thêm phần sinh khí. Đây là nơi xây cất những hầm mộ của quý tộc La Mã, những bệ thờ thấp hai bên đường chưa đến mức hóa thành phế tích. Nghe tiếng chân mình vang vọng, người đàn ông mơ hồ có cảm giác mình như lạc vào một vùng đất bị quên lãng. Ánh nắng chói chang, nóng nực chiếu xuống những viên đá lát đường đã mòn võng vì bị không biết bao nhiêu bánh xe ngựa nghiến xuống, từ đám cỏ trồi lên từ các kẽ nứt, những con thằn lằn nâu nhỏ xíu phóng qua trước mắt anh ta nhanh như vệt ảnh tối màu. Phía trước anh ta, đằng sau những lăng mộ là ngọn núi Vesuvius mang màu xanh xỉn trong màn sương từ đất bốc lên vì thời tiết oi nồng, nhưng không quá gây ấn tượng với anh ta vì nó còn cách đây chừng năm, sáu dặm.
Người đàn ông thấy ấm áp và hơi ngầy ngật buồn ngủ. Những con đường dài với những cửa tiệm chỉ còn trơ lại bốn bức tường này, những khoảnh sân hoa lệ điểm xuyết những hàng cột chống đây đó kia, tất cả đều tác động đáng ngại đến trí tưởng tượng của anh ta. Anh ta đã lang thang hơn một tiếng đồng hồ; và từ khi đặt chân vào thành phố cổ này, anh ta chưa hề thấy bóng dáng của bất cứ sinh vật sống nào, ngoại trừ một nhóm người bí ẩn đi cùng hướng dẫn viên thình lình xuất hiện ở cuối đường Vận Mệnh rồi biến mất một cách đầy ma quái giữa những tiếng rào rạo của đám đá nhỏ.